Truyền thông lồng ghép với dịch vụ dân số, KHHGÐ

Thứ Sáu 9:02 12/04/2019

ĐBP - Nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ), Chi cục Dân số - KHHGÐ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số lồng ghép cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ tới người dân, nhất là tới vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Qua đó góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách dân số nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng cũng như thực hiện để nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc SKSS/KHHG.

 

Cán bộ y tế xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền tới người dân chính sách dân số, các biện pháp phòng tránh thai an toàn. Ảnh: Gia Kiệt

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số lồng ghép cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2019 được triển khai thực hiện tại 53 xã thuộc 8 huyện (trừ TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay). Chiến dịch tập trung ưu tiên thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có mức sinh cao, đặc biệt là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Thông qua chiến dịch nhằm huy động các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số. Chiến dịch cũng tiến hành lồng ghép cung cấp các biện pháp tránh thai phi lâm sàng và nội dung tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai, đảm bảo đáp ứng kịp thời phương tiện tránh thai cho các đối tượng. - Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ cho biết.

Mường Phăng là 1 trong 15 xã tham gia Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao chất lượng dân số lồng ghép cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ năm 2019. Chiến dịch được phát động vào đầu tháng 3 vừa qua thu hút không chỉ phụ nữ mà khá đông nam giới tham gia. Chị Vàng Thị Cẩu (29 tuổi, dân tộc Mông, bản Loọng Luông) đi bộ từ sáng sớm đến Nhà văn hóa xã Mường Phăng để nghe tuyên truyền về kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGÐ. Chị Cẩu tâm sự: Trước đây, mình xấu hổ, rất ngại khi có ai đó nói tới vấn đề sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, sử dụng bao cao su... Không chỉ mình mà các chị em trong bản cũng ngại nhắc đến vấn đề được xem là “tế nhị” này. Vì vậy việc mang thai ngoài ý muốn, sinh con thứ 3 trong bản khá phổ biến. Nhưng nay thì khác rồi, chúng mình được cán bộ y tế, cộng tác viên dân số bản tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, KHHGÐ. Tham gia chiến dịch không chỉ được cung cấp kiến thức phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn mà còn được cán bộ dân số cấp thuốc tránh thai miễn phí.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGÐ xã Mường Phăng cho biết: Xã có 1.138 hộ, 5.446 khẩu sinh sống tại 26 thôn, bản (có tới 18 thôn, bản vùng cao, đặc biệt khó khăn), chủ yếu là dân tộc Thái (hơn 76%), dân tộc Mông (hơn 20%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong quý I/2019 chiếm 3,9%; 4 trường hợp tảo hôn... Việc tuyên truyền, vận động để người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiểu được tầm quan trọng và chăm sóc SKSS/KHHGÐ góp phần nâng cao chất lượng dân số gặp không ít trở ngại phần do trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán của đồng bào muốn đông con để có nhiều lao động, phải có con trai để nối dõi... Do đó để người dân tích cực tham gia chiến dịch cũng như nâng cao nhận thức chăm sóc SKSS/KHHGÐ, thành viên ban chỉ đạo phối hợp với các đoàn thể, cán bộ chuyên trách dân số của xã, cộng tác viên dân số thôn, bản tới từng gia đình để tuyên truyền, vận động, tư vấn người dân thực hiện. Nhờ vậy, người dân đã thay đổi nhận thức và tích cực hơn khi tham gia các biện pháp KHHGÐ. Khi tham gia chiến dịch có 78 phụ nữ được cấp thuốc tránh thai, 30 người được tư vấn, cấp bao cao su; nhiều chị em được khám phụ khoa, điều trị phụ khoa...

Không chỉ ở Mường Phăng mà với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, các trường hợp tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra khá phổ biến. Toàn tỉnh hiện có 73 cán bộ phụ trách dân số - KHHGÐ; 1.813 cộng tác viên dân số. Thời gian qua, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGÐ đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn được triển khai rộng khắp. Nhờ đó tỷ suất sinh đã giảm 2,08 %o (so với năm 2017); tỷ suất tăng tự nhiên là 19,11%o (giảm  4,97%o so với năm 2017); tỷ lệ giới tính khi sinh là 109,5 bé trai/100 bé gái; 69% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai... Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, chăm SKSS/KHHGÐ, các hoạt động truyền thông, giáo dục cần tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; đặc biệt chú trọng tới đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về dân số, SKSS/KHHGÐ, giới và bình đẳng giới. Ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên cung cấp thông tin có chất lượng về dân số, SKSS/KHHGÐ đến lãnh đạo các cấp, người có uy tín trong cộng đồng nhằm tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh hơn về chính sách, nguồn lực và tạo dư luận xã hội thuận lợi cho công tác dân số, KHHGÐ. Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh tiến tới duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, khống chế tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 10%; 20% trẻ sơ sinh được sàng lọc; giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; tăng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS của các nhóm dân số đặc thù đạt 45%...