Một thời oanh liệt

Thứ Bảy 16:23 04/05/2019
ĐBP - “Năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi rời miền quê xã Ứng Hòa (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) nhập ngũ vào Trung đoàn 176, Sư đoàn 316. Ðây là sư đoàn lưu động đóng quân ở Tây Bắc và hành quân ứng viện cho chiến trường Ðiện Biên Phủ khi cuộc chiến giữa quân ta và thực dân Pháp vào thời điểm cam go nhất trong chiến cuộc Ðông Xuân 1953 - 1954” - Cựu chiến binh Ðỗ Xuân Nhã nhớ lại.

Vào thời điểm đó, khi quân địch biết được Sư đoàn 316 (ngày ấy là Ðại đoàn 316) hành quân lên Tây Bắc, Pháp đã chi viện khoảng 4.500 lính vào Ðiện Biên Phủ để đối phó với Việt Minh, uy hiếp Lai Châu và Thượng Lào (các tỉnh Luông Pra Băng, Phong Sa Lỳ, U Ðôm Xay), âm mưu biến Ðiện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm lớn. Lúc đó, Trung đoàn 176 nhận được lệnh phải gấp rút tiến quân “đánh chắc, tiến chắc” và phối hợp với các Trung đoàn: 174, 98 quyết tâm giải phóng bằng được thị xã Lai Châu (cũ) làm bàn đạp tiến về yểm trợ cho các căn cứ: Mường Pồn, Him Lam, Hồng Cúm...

 

Cựu chiến binh Ðỗ Xuân Nhã chia sẻ với cháu gái kỷ niệm về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Ðỗ Xuân Nhã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về trận tổng tiến công năm 1954 tại đồi A1, C1 nằm giữa chiến trường Ðiện Biên Phủ. Khi đó, Ðại đoàn 316 trực tiếp chỉ huy và sử dụng hai Ðại đội: Sơn pháo 75 và súng cối 120 ly tiêu diệt các cao điểm A1, C1... và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch nhảy xuống các điểm trên. Nhớ lại trận đánh ác liệt đó, cảm xúc của ông Nhã lại trở về nguyên vẹn: “Trận đánh đêm ấy, tôi thuộc tổ bắn đại bác, có nhiệm vụ đi trinh sát các điểm, các lô cốt để bố trí lực lượng đánh trả lại địch. Khi quân địch đánh dữ dội, các đồng đội của tôi thương vong khá nhiều, chúng tôi quyết tâm xông lên, áp chiến với địch. Trong lúc quân địch đáp trả, tôi đã bị nhiều mảnh vụn của đạn đại bác xuyên vào cơ thể, trong đó mảnh bắn vào bả vai là vết thương nặng nhất và nó vẫn găm trên cơ thể tôi cho tới tận bây giờ”. Ðối với ông Nhã, đó là trận đánh ác liệt, cam go nhất của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ mà bao đồng đội của ông đã anh dũng xả thân, góp phần đem tới thành công của trận đánh, tiến tới thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Xuất ngũ năm 1958, ông Nhã theo tiếng gọi của lớp thanh niên xung phong ở lại Ðiện Biên xây dựng Nông trường Ðiện Biên, làm kinh tế mới. Cũng thời điểm đó, ông đưa vợ, con từ quê Hải Dương lên Nông trường Ðiện Biên sinh sống. Tuy là thương binh 4/4, nhưng ông Nhã vẫn tham gia công tác và nhiều năm giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Ðội sản xuất C8, Nông trường Ðiện Biên. Ðến khi nghỉ hưu, ông Nhã tiếp tục công tác tại tổ dân phố với vai trò Bí thư chi bộ tổ dân phố 8, phường Thanh Trường.

Với những cống hiến cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cựu chiến binh Ðỗ Xuân Nhã vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương kháng chiến chống Pháp và Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng. Ông trân trọng cất giữ những phần thưởng ghi dấu lịch sử ấy ngay ngắn trong tủ và thường đem ra ngắm, kể lại cho các con, cháu trong gia đình để giáo dục truyền thống cách mạng. Giờ đây, vết thương từ mảnh đạn đại bác trên bả vai ông Nhã vẫn nhói lên mỗi khi trái nắng trở trời. Nhưng ông cho rằng, nó chính là “kỷ niệm sống” nhắc nhở ông luôn giữ trong ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng.