Giải pháp căn cơ phòng ngừa cháy rừng

Thứ Tư 9:01 03/07/2019

Do hạn hán kéo dài, nên trong tháng qua trên địa bàn một số tỉnh Bắc miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra nhiều điểm cháy rừng. Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy một số nơi có những cách thức, giải pháp phòng chống cháy rừng rất hiệu quả cần nhân rộng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương sớm đưa ra giải pháp căn cơ về rừng để phát triển bền vững.

Cháy rừng do người và thiên tai

Ba tháng liên tục, dải đất Bắc miền Trung hầu như không có mưa. Nắng như rang, gió như phang làm đảo lộn sinh hoạt cuộc sống người dân. Những cánh rừng ở miền Trung thường nằm ở vị trí sát khu dân cư. Vì vậy chỉ cần một chút bất cẩn của người dân cũng đủ đốt cháy hàng trăm hécta rừng. 

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, chỉ tính trong vòng 1 tháng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 5 đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. May mắn là khi phát hiện điểm cháy, lực lượng chức năng và người dân địa phương đã kịp thời dập tắt đám cháy. Song có những đám cháy dù có huy động cả ngàn người, mọi người có nỗ lực hết sức mình thì thiệt hại cháy rừng gây ra cũng vô cùng nghiêm trọng. 

 

Cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh trắng đêm dập lửa cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh.

Vụ cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh là bài học không bao giờ cũ trong việc bất cẩn gây cháy rừng từ phía người dân. Ngọn núi hàng ngàn năm tuổi, cánh rừng xanh là biểu tượng niềm tự hào của Hà Tĩnh bỗng chốc trở thành biển lửa. Vì thiên nhiên khắc nghiệt hay vì còn có những con người vô tâm với rừng.

Tại Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chúng tôi gặp Phan Đình Thành, người đã gây ra vụ cháy rừng khủng khiếp ở núi Hồng Lĩnh. Một phút bất cẩn của Thành đã làm hàng ngàn con người phải trắng đêm liều mình trong biển lửa để cứu rừng, cứu nhà dân. Và hậu quả hàng trăm ha rừng đã bị thiêu trụi. 

Sáng 28-6, Thành đi mua đồ ăn sáng và mua một chiếc bật lửa ga để hút thuốc. Gần trưa cùng ngày, Thành ra vườn, gom rác lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa để đốt rác. Gió thổi mạnh ngọn lửa nơi Thành đốt cháy lan ra khắp vườn, sau đó đám cháy tiếp tục bùng phát đến vườn thông rừng trồng sau nhà Thành rồi trở thành điểm cháy gây kinh hoàng cho người dân. 

Trước đó, tại xã Nam Tân, huyện Nam Đàn ngọn lửa bao trùm cả cánh rừng, chính quyền địa phương đã phải huy động hàng trăm con người để dập lửa, khống chế đám cháy. Sau khi đám cháy được dập tắt, Công an huyện Nam Đàn điều tra, làm rõ đối tượng gây cháy rừng là Nguyễn Đình Trường, trú xóm 7, xã Nam Tân, huyện Nam Đàn. Tân hút thuốc lá sau đó vứt tàn thuốc vào rừng gây cháy…

Trong quá trình tìm tư liệu cho bài viết, các cơ quan chức năng bảo vệ rừng chúng tôi gặp đều có kết luận chung là: Tất cả các vụ cháy hầu như đều do bàn tay con người. Cháy rừng do hạn hán kéo dài, đá va chạm tạo lửa gây cháy có xảy ra nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, sau khi xảy ra cháy để phát hiện đối tượng gây cháy rừng là điều không hề đơn giản.

Nhiều giải pháp căn cơ phòng chống cháy rừng

Theo thống kê hàng trăm vụ cháy rừng trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung trong thời gian qua chủ yếu là rừng trồng, rừng thông, keo…và điều đáng nói phần lớn rừng bị cháy do các lâm trường nhà nước quản lý. 

Hiện nay trong thực tế, nhiều lâm trường ở các tỉnh với quân số rất ít nhưng khoanh giữ, bảo vệ diện tích rừng rất lớn. Có những lâm trường, bình quân một người canh giữ đến 1.000ha rừng. Và trong đó chủ yếu rừng trồng, rừng nghèo kiệt… Vì vậy, để bảo vệ rừng, trồng rừng tốt nhất, hạn chế việc cháy rừng theo nhiều lãnh đạo chính quyền ở các địa phương là giao đất, giao rừng cho người dân. 

Thực tế cho thấy ở những nơi, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp mạnh dạn giao đất rừng cho dân trồng rừng thì ở đó diện tích rừng phát triển nhanh chóng, và rừng được bảo vệ tốt.

Kinh nghiệm phòng chống cháy rừng hiệu quả ở một số nơi như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình nơi có diện tích rừng chiếm đến trên 80% đất tự nhiên, nhưng lại ít khi xảy ra cháy rừng là nhờ công tác tuyên truyền đến tận mỗi người dân. 

Ông Bùi Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Ngay từ đầu mùa hè, chính quyền địa phương đã làm việc với lực lượng kiểm lâm lên phương án bảo vệ rừng. Sau đó, công tác phòng, chống cháy rừng được giao cho tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều vào cuộc…

Theo nhiều người có kinh nghiệm làm trong ngành lâm nghiệp lâu năm thì khi xảy ra cháy rừng, để hạn chế cháy đến mức thấp nhất, đồng thời tránh nguy hiểm cho người tham gia chữa cháy, cơ quan chức năng địa phương đó cần giải quyết tốt các vấn đề sau: Khi xảy ra cháy lớn, gió thổi mạnh việc dùng vòi nước, ống phụt, hoặc dùng sức người đối mặt với đám cháy sẽ ít mang lại hiệu quả. 

Kinh nghiệm một số nơi xử lý cháy rừng hiệu quả cho biết: Khi phát hiện đám cháy nhỏ có thể huy động sức người dập tắt. Nhưng khi đám cháy bùng lên dữ dội, cần huy động người và phương tiện không phải để dập tắt đám cháy mà để khống chế đám cháy không cho lây lan. Muốn khống chế tốt cần tạo các đường băng cản lửa. Phát sẻ cây cối, tạo những đường băng rộng 50-100m vây quanh đám cháy, sau đó lực lượng chức năng ở ngoài đường băng, tàn tro lửa bay qua đường băng nơi nào dập tắt ngay nơi đó... 

 
Chiều 19-5 vừa qua, xảy ra cháy lớn ở rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Sau khi đến hiện trường, lãnh đạo huyện này thống nhất cùng lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình tạo đường băng cản lửa. Sau khi hội ý chớp nhoáng, hàng chục máy cưa đã được huy động để cắt cây, đường băng tạo đến đâu thì lực lượng chữa cháy rừng vận chuyển cát, nước đổ chỗ ấy... Nhờ vậy đám cháy chỉ xảy ra trong một khu vực nhỏ nhất nhất định, không để cháy lan sang nhiều diện tích khác…