Phát huy vai trò các tổ hòa giải ở cơ sở

Thứ Sáu 9:19 19/07/2019
ĐBP - Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở nhằm rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1.823 tổ hòa giải với gần 10.000 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 thành viên là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật. Triển khai thực hiện Luật Hòa giải cơ sở năm 2013, đến nay chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức hơn 5.100 buổi với gần 400.000 lượt người tham gia tuyên truyền về các nội dung của luật và công tác hòa giải ở cơ sở. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 5.000 vụ việc, hòa giải thành gần 4.000 vụ việc. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thành viên Tổ hòa giải bản Xa Cuông, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho dân bản.

Hiện nay, huyện Ðiện Biên có 465 tổ hòa giải cơ sở, với gần 3.000 hòa giải viên. Pa Thơm là một “điểm sáng” thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở thời gian qua. Là xã biên giới có hơn 200 hộ với gần 1.000 khẩu thuộc 3 dân tộc: Lào, Khơ Mú, Cống, xã Pa Thơm hiện có 6 tổ hòa giải, 30 hòa giải viên. Ông Lường Văn Nguyên, Trưởng bản Xa Cuông đồng thời là thành viên tổ hòa giải của bản cho biết: Ðể làm tốt hoạt động hòa giải, các thành viên trong tổ tích cực tìm hiểu kiến thức về pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp trong đời sống như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Ðất đai... để tuyên truyền, giải thích cho người dân. Tổ hòa giải của bản cũng thường xuyên mời cán bộ tư pháp xã đến tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trong các cuộc họp bản.

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Nhờ phát huy vai trò của các tổ hòa giải mà những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Nếu có mâu thuẫn, các tổ hòa giải cũng thực hiện tốt việc hòa giải một cách hài hòa, có lý có tình. Các hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức mỗi cá nhân về chấp hành pháp luật. Ðồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn xã.

Ðánh giá sau 5 năm thực hiện Luật Hòa giải cơ sở năm 2013, bên cạnh những kết quả tích cực, Sở Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn. Khó khăn hiện nay trong quá trình hoạt động của các tổ hòa giải là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó khi phát sinh mâu thuẫn, nhất là tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản, các tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn trong thuyết phục các bên tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Một số giải pháp trọng tâm đã được Sở Tư pháp đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan cần quan tâm triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Ðó là, cùng với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, tận tâm của đội ngũ hòa giải viên, các cơ quan chức năng cần tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp với các tổ hòa giải nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân của từng vụ việc để đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm, xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng các tổ hòa giải và hòa giải viên; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở các xã, phường, thị trấn.