Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nậm Pồ

Thứ Tư 8:47 07/08/2019

ĐBP - Theo giới thiệu của đồng chí Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa, (huyện Nậm Pồ) chúng tôi đến thăm nhà anh Lò Văn Minh, bản Nà Sự 2, xã Chà Nưa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang rộng trên 120m2 mới xây xong hồi đầu tháng 6, anh Minh chia sẻ: Xây được nhà cửa khang trang, cũng là nhờ có nghề trong tay. Năm 2018, khi có lớp học nghề xây dựng của Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức tại xã tôi đã đăng ký học; sau 3 tháng học tôi xin đi phụ cho các tổ xây dựng trên địa bàn tích lũy thêm kinh nghiệm, đến nay đã trở thành thợ chính; có thu nhập ổn định, ngoài cơm nuôi ra tôi được trả 250 nghìn đồng/ngày. Hàng năm, sắp xếp công việc đồng áng của nhà xong tôi lại theo các tổ thợ đi xây được từ 3 - 5 tháng cũng để ra được một khoản trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, nếu gia đình nào có nhu cầu xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi ở địa phương tôi lại đứng ra nhận và gọi thêm 4 - 5 anh em cùng làm. Hiện nay, hơn 30 học viên lớp xây dựng tôi theo học ai cũng có tay nghề, việc làm; người thì làm tại địa phương, người thì đi theo các nhà thầu làm việc ở các huyện Mường Nhé, Ðiện Biên…

 

Người lao động bản Nà Sự 2, xã Chà Nưa tự tạo việc làm tại địa phương sau khi tham gia lớp học nghề xây dựng.

Thời gian qua công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đạt những kết quả khả quan, góp phần nâng cao mức sinh hoạt của người lao động nông thôn. Các ngành nghề đào tạo được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng xã; hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, theo hình thức cầm tay chỉ việc phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động… Nhờ đó, đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất trong nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng tích cực. Người lao động sau khi học xong các khóa đào tạo nghề vận dụng được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình… Từ năm 2015 - 2018, Trung tâm Dạy nghề huyện đã tổ chức đào tạo và hợp đồng liên kết đào tạo được 40 lớp với 1.287 học viên; chủ yếu là các lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò, dê. Sau học nghề, học viên đã áp dụng kiến thức vào thực tế chăn nuôi theo hộ gia đình đạt trên 80%. Mở 2 lớp học nghề phi nông nghiệp (nghề xây dựng) trên 50 học viên, 100% học viên đều có việc làm sau khi học.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện còn những hạn chế, khó khăn. Một bộ phận học viên sau khi học xong việc áp dụng kiến thức vào sản xuất chưa cao, như học viên lớp kỹ thuật trồng, bảo quản sơ chế nấm; phần vì khó khăn về nguồn giống, phần vì người dân chưa có thói quen tích trữ rơm rạ để sản xuất quanh năm, chủ yếu làm sau vụ thu hoạch… Bên cạnh đó, Trung tâm thiếu về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; hiện Trung tâm có 6 cán bộ, nhân viên (3 người trong Ban Giám đốc, 1 kế toán, 2 viên chức) chưa có giáo viên trực tiếp phụ trách giảng dạy, nên việc mở các lớp giảng dạy 100% phải hợp đồng với các đơn vị như: Trường Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên... Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm cố gắng khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục tổ chức các lớp học nghề lưu động tại bản, trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên khi tham gia; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để cung ứng lực lượng lao động qua đào tạo; tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.