Thực hiện Ðề án 79 tại Mường Nhé

Ðể người dân được an cư

Thứ Năm 9:57 15/08/2019
ĐBP - Thực hiện Quyết định số 79/QÐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên” (gọi tắt là Ðề án 79), những năm qua nhiều nội dung đã được nỗ lực triển khai. Tuy nhiên, đến nay cuộc sống của nhiều hộ dân tại một số bản tái định cư vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất và hạ tầng cơ sở vẫn còn sơ sài.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua con đường lầy lội bùn đất, chúng tôi đặt chân đến điểm bản tái định cư Tân Phong (xã Mường Nhé). Thực hiện Ðề án 79, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã bố trí gần 50 hộ dân di chuyển từ bản Tá Phì Chà (xã Chung Chải) về bản Nậm Là 2 (xã Mường Nhé). Tuy nhiên, do các hộ dân đã chuyển đến bản Nậm Là 2 ở trước, không muốn nhận nên huyện Mường Nhé đưa ra phương án tình thế là cho số hộ dân này đến nhận đất thuộc bản Tân Phong (xã Mường Nhé) làm nhà ở. Anh Giàng A Sáu, Trưởng nhóm điểm tái định cư Tân Phong nói: “Những ngày đầu, khi được chính quyền vận động và đưa về nơi ở mới, người dân trong bản ai nấy đều vui mừng, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn… Thế nhưng, sau gần 3 năm định cư, niềm vui chẳng thấy đâu, cuộc sống người dân ngày càng khốn khó, nghèo nàn hơn (100% tỷ lệ hộ nghèo). Thậm chí, nhiều hộ dân trong bản có ý định bỏ đi nơi khác sinh sống. Theo thống kê của trưởng bản, thời điểm cuối năm 2018 có tới 20 hộ dân rủ nhau rời bỏ đi. Ðặc biệt, không chỉ thiếu đất canh tác mà người dân bản Tân Phong còn phải đối diện với nhiều thiệt thòi như: Hiện bản chưa có điện lưới quốc gia, đường bê tông liên bản hay đến ngay như cầu dân sinh bắc qua suối Nậm San cũng chưa được đầu tư xây dựng. Có thời điểm, nước to quá bà con phải dùng dây bắt từ bên này qua bên kia để chuyển lương thực, thực phẩm, vừa vất vả mà nguy hiểm.

Thực hiện Ðề án 79 với mục tiêu: Bố trí, sắp xếp và ổn định đời sống cho 12.205 hộ, 68.318 nhân khẩu thuộc 171 bản, 14 nhóm dân hiện có. Ðến năm 2020, toàn vùng đề án có 13.434 hộ với trên 74.000 người thuộc 219 bản được định canh, định cư. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 75,09% (năm 2015) xuống còn 55,09% (năm 2020), giảm bình quân 4%/năm. Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện đề án với tổng vốn đầu tư điều chỉnh, bổ sung là: 2.611,745 tỷ đồng (vốn sự nghiệp thực hiện bồi thường, hỗ trợ: 1.194,745 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển: 1.417 tỷ đồng…). Ðến hết tháng 7/2019 huyện Mường Nhé đã bố trí sắp xếp 3.537/3.625 hộ; trong đó, 1.868 hộ tại 47 điểm bản phê duyệt phương án,1.669 hộ tại các điểm bản bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ. Ðể người dân tái định cư theo Ðề án 79 ổn định cuộc sống, huyện Mường Nhé đã bồi thường, hỗ trợ về đời sống phát triển sản xuất với tổng số tiền 209,564 tỷ đồng (hỗ trợ làm nhà ở; mua sắm dụng cụ sinh hoạt; làm nhà vệ sinh…); đầu tư xây dựng 160/284 công trình phục vụ nhu cầu, đời sống cho bà con khi về nơi ở mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm này quá trình thực hiện Ðề án 79 phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, việc vận động người dân đến các điểm bản chưa đạt yêu cầu đề ra, do một số hộ khi được phê duyệt danh sách và di chuyển đến nơi ở mới lại thay đổi quyết định, quay về nơi ở cũ, hoặc bỏ đi nơi khác (do thiếu đất sản xuất hoặc đất bạc màu nên người dân không nhận). Ðồng thời, số hộ phát sinh do tách hộ hàng năm trên địa bàn quá lớn, đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (huyện Mường Nhé đã thu hồi 1.353ha…), do đó khi thực hiện phương án nhiều bản phải điều chỉnh bổ sung, như: Nậm Kè 2; Mường Toong 4, 5, 6… Ðối với người dân vùng cao, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, không có tiền làm nhà ở đạt yêu cầu về tiêu chuẩn “3 cứng” nên đã nhanh hư hỏng, xuống cấp, nhất là đối với các hộ mới tách tại các điểm bản Ðề án 79. Thậm chí, một số công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân chưa được bố trí vốn thực hiện (điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn bản, một số công trình nhà lớp học…).

Ðặc biệt, sau khi được di chuyển về nơi ở mới, nhiều hộ thiếu đất sản xuất trầm trọng. Theo tiêu chí Ðề án 79 đề ra, mỗi hỗ được hỗ trợ tối thiểu 2ha, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do thiếu quỹ đất. Trong đó, các bản Mường Toong 6, xã Mường Toong thiếu 6,3ha; bản Hua Sin 1, 2, xã Chung Chải thiếu 73,3ha; Nậm Là 2, xã Mường Nhé thiếu khoảng 20ha… đã dẫn tới tình trạng tranh chấp đất đai giữa chủ đất với các hộ dân di chuyển đến; tranh chấp về ranh giới giữa các bản lân cận.

Ðể giải quyết “bài toán” tái định cư, ổn định đời sống nhân dân theo Ðề án 79, nhiều giải pháp đã được huyện Mường Nhé đưa bàn thảo. Trước nhất, huyện sẽ cho rà soát lại và kiến nghị với Ban chỉ đạo tỉnh để đề xuất, kiến nghị với Trung ương cấp vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân các điểm bản tái định cư, tránh việc người dân bỏ về nơi ở cũ. Ðồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến lấp đầy các điểm bản chưa bố trí đủ số hộ dân; đảm bảo các chính sách hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất thuộc nguồn vốn của Ðề án. Ðẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án một số điểm bản (Gia Chứ, Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn; bản Ðầu Cầu Si Ma, Húi To 1, 2, xã Chung Chải...). Ðặc biệt, huyện sẽ tiến hành giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp đất, hoàn thiện hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Ðối với các điểm bản thiếu đất sản xuất, giao các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện việc lập hồ sơ trình thẩm định để bố trí đất sản xuất cho nhân dân ổn định cuộc sống.

Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những quyết sách lớn, hợp lòng dân của Ðảng và Nhà nước trong việc quan tâm đầu tư cho tỉnh Ðiện Biên nói chung, huyện biên giới Mường Nhé nói riêng. Do vậy, để tháo gỡ được những khó khăn, hỗ trợ người dân “an cư lạc nghiệp” tại nơi ở mới, rất mong các bộ, ngành Trung ương, tỉnh quan tâm đẩy nhanh thực hiện đề án; đặc biệt là bố trí, sắp xếp nguồn vốn triển khai thực hiện đề án theo đúng lộ trình đề ra.