Một số vướng mắc trong sáp nhập thôn, bản ở huyện Ðiện Biên

Thứ Sáu 8:25 23/08/2019

ĐBP - Ðiều chỉnh, sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương đi đầu thực hiện việc sáp nhập thôn, bản, đội. Mặc dù được chính quyền các xã và nhân dân các thôn, bản, đội đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập song vẫn còn một số băn khoăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Huyện Ðiện Biên có 25 đơn vị hành chính cấp xã với 465 thôn, bản, đội. Ðến nay, huyện đã sáp nhập 239 thôn, bản, đội để thành lập 119 thôn, bản, đội trên địa bàn 20/25 xã. Sau khi sáp nhập, nhiều xã đã giảm số lượng lớn thôn, bản, đội như: Xã Sam Mứn sáp nhập 10 bản thành 5 bản; Pom Lót sáp nhập 11 bản thành 5 bản; Thanh Nưa sáp nhập 8 bản thành 4 bản; Noong Hẹt sáp nhập 24 bản thành 11 bản; Nà Nhạn sáp nhập 18 bản thành 9 bản… Việc sáp nhập các thôn, bản, đội trên địa bàn huyện bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi từ ngân sách. Cụ thể, trước đây ở mỗi thôn, bản, đội có 8 chức danh không chuyên trách như: Trưởng thôn (bản, đội), công an viên, chi hội trưởng phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân… Như vậy, với 239 thôn, bản, đội trước khi sáp nhập có ít nhất 1.192 người hoạt động không chuyên trách (chưa kể các chức danh khác). Sau khi sáp nhập thành 119 thôn, bản, đội thì số lượng đầu mối giảm còn 952 người. Ðơn cử trước đây, bản Cang 4, xã Mường Phăng chỉ có 26 hộ dân với 98 nhân khẩu; số hộ, nhân khẩu ít cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, đầu tư... Sau khi sáp nhập, thành lập bản Cang 1 thì bản có 74 hộ với 312 nhân khẩu, việc đầu tư các chương trình, dự án cũng thuận lợi hơn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả…

Thực tế cho thấy, việc sáp nhập thôn, bản là cần thiết song trong quá trình triển khai còn nhiều vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc sáp nhập các thôn, bản, đội trên địa bàn huyện Ðiện Biên chủ yếu liên quan đến các vấn đề: Tiêu chí về số hộ, dân số để thành lập các bản theo quy định, đặc biệt là ở vùng biên giới. Hiện nay, trong số 119 thôn, bản, đội được sáp nhập, vẫn còn 7 thôn, bản, đội có quy mô về số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí về số hộ theo quy định. Phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau; việc hướng dẫn bầu các chức danh đối với thôn, bản, đội mới thành lập; chế độ chính sách giữa các vùng, thôn, bản khác nhau nên sau khi sáp nhập cũng gặp vướng mắc; chế độ hỗ trợ cho những người sau khi nghỉ các chức danh ở thôn, bản cũ…

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều hộ dân băn khoăn, thắc mắc về chế độ chính sách thụ hưởng. Ví dụ một bản (đội) được thụ hưởng sau khi sáp nhập với thôn, đội không thuộc diện thụ hưởng thì có tiếp tục được hưởng hỗ trợ nữa hay không? Một số thôn, bản người dân tộc thiểu số sống độc lập từ lâu, có những đặc thù về sinh hoạt, phong tục tập quán nên khi sáp nhập với thôn, đội người Kinh sẽ nảy sinh những vướng mắc trong công tác quản lý dân cư, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, hoạt động tín ngưỡng, hiếu hỉ, hội họp…

Việc sáp nhập các thôn, bản trên địa bàn huyện Ðiện Biên không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy thôn, bản trên địa bàn huyện mà còn là bài học để các địa phương khác nghiên cứu, điều chỉnh thực hiện việc sáp nhập trong thời gian tới cho phù hợp. Do đó, những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Ðiện Biên cần sớm được tháo gỡ. Trước hết cần nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những đặc thù về phong tục tập quán, lối sống của từng vùng, từng dân tộc. Ðồng thời, cần sớm ban hành hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn các chức danh ở các thôn, bản mới để ổn định bộ máy, tăng cường sự quản lý, hoạt động các phong trào ở thôn, bản.