Điện Biên: Tích cực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trở lại

Thứ Ba 10:17 17/09/2019

ĐBP - Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi có diễn biến khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, từ tháng 6 đến tháng 7/2019, tình hình dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu giảm, nhưng đến nay lại có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát trở lại. Tính đến ngày 16/9, toàn tỉnh đã có 26 xã, phường tái phát dịch tả lợn châu Phi sau khi đã công bố hết dịch (sau 30 ngày).

Lực lượng thú y phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) tiến hành tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi của một hộ dân ở bản Khá, phường Nam Thanh.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ, nguyên nhân tái phát dịch tả lợn châu Phi chủ yếu do việc thực hiện an toàn vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi của người dân còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh do virus gây ra và có khả năng lây lan trên diện rộng, vì mầm bệnh có ở khắp nơi nên dễ lây lan qua rất nhiều con đường, như: qua côn trùng, các loài động vật khác và con người… từ vùng có dịch ra nơi khác rất khó kiểm soát…

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có thể tái bùng phát trở lại, các tổ chức chính trị, đoàn thể và các địa phương đã tích cực tham gia phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền đến cơ sở, chủ hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán lợn cách nhận biết về dịch bệnh, giúp nhân dân nắm được để có biện pháp phòng tránh và thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống bệnh dịch: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Các địa phương tập trung tiến hành thống kê chi tiết số hộ nuôi lợn, tổng số đàn lợn, kiểm tra giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn; kiên quyết không để lưu thông lợn vào, ra khỏi vùng dịch. Cơ quan chuyên môn tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao và tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh…