Hiệu quả Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”

Thứ Tư 8:30 18/09/2019

ĐBP - Ðiện Biên là 1 trong 21 tỉnh khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Thực hiện các mục tiêu của chương trình trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, hỗ trợ xây nhà vệ sinh... góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân.

Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên Ðông tập huấn phương pháp truyền thông cho cán bộ xã và tuyên truyền viên thôn, bản.

Ðể thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình, hàng năm Sở Y tế chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động tại địa bàn các xã tham gia chương trình. Trong đó, hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia chương trình các cấp luôn được ngành Y tế chú trọng triển khai từ đầu. Từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức được 2 hội nghị triển khai chương trình tuyến tỉnh; 2 lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã về nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình, kỹ năng truyền thông, kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình. Cùng với đó, ngành Y tế đã thiết kế, sản xuất và phát hành 691 áp phích, 20 quyển danh mục thiết bị vệ sinh, 28 quyển tranh lật phục vụ cho các hoạt động của chương trình; tổ chức hơn 70 cuộc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, khảo sát đánh giá các hoạt động của chương trình và lấy 56 mẫu nước làm xét nghiệm để đánh giá chất lượng theo quy chuẩn tại 7 trạm y tế xã và 21 trường học. Ðồng thời, thực hiện được 11 cuộc kiểm tra, đánh giá xã đạt vệ sinh toàn xã; 5 cuộc đánh giá giữa kỳ tại 5 xã tham gia chương trình giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên), Ẳng Cang, Xuân Lao (huyện Mường Ảng), Lay Nưa (TX. Mường Lay) và Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Riêng tại các huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức hướng dẫn, lựa chọn mô hình cửa hàng tiện ích; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyên truyền người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Ðáng chú ý, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh giúp các xã đạt vệ sinh toàn xã; năm 2018, ngành Y tế đã hỗ trợ 663 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại 12 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình. Ðặc biệt, năm 2017 và 2018, ngành Y tế đã thực hiện đầu tư 14 nhà vệ sinh trạm y tế tại các huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Ðiện Biên và Tủa Chùa với tổng mức đầu tư gần 3,1 tỷ đồng. Ðến hết tháng 7/2018, ngành đã hoàn thành việc đầu tư xây mới 6 và sửa chữa 8 nhà vệ sinh kể trên. Trong năm 2019, ngành Y tế đang tiến hành đấu thầu xây dựng, sửa chữa 11 công trình nước và nhà vệ sinh của 11 trạm y tế xã, đồng thời sẽ triển khai hỗ trợ 980 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thuộc 8 xã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; kiểm tra và lấy mẫu nước làm xét nghiệm chất lượng tại 27 trường học và 9 trạm y tế của các xã thực hiện vệ sinh toàn xã năm 2019...

Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trong lĩnh vực y tế đã đạt hiệu quả tích cực. Năm 2018, đã có 10 xã, gồm: Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng), Quài Cang, Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), Sín Thầu (huyện Mường Nhé), Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông), Thanh An, Noong Luống, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) và Lay Nưa (TX. Mường Lay) được công nhận xã đạt vệ sinh toàn xã. Ðặc biệt, nhận thức của người dân tại địa bàn các xã triển khai chương trình đã được nâng cao, góp phần từng bước cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình nông thôn, tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn.