Ðợi chờ điểm an cư

Thứ Năm 8:09 03/10/2019

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, ven sông, suối. Mỗi mùa mưa lũ, người dân lại thấp thỏm lo âu vì thiên tai đe dọa vật nuôi, tài sản và thậm chí là tính mạng con người.

Bản Hột, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa)a sau khi được bố trí tái định cư.  Ảnh: Phạm Trung

Theo quy hoạch tổng thể bố trí dân cư tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định số 609/QÐ-UBND, ngày 23/7/2015 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 978 hộ với 6.404 nhân khẩu cần bố trí ổn định dân cư (xen ghép 444 hộ, di chuyển tập trung 534 hộ); trong đó có 874 hộ, 5.739 nhân khẩu sống trong vùng thiên tai. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi ở mới an toàn, song chưa đạt kế hoạch. Trong khi đó, thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp theo chiều hướng xấu khiến thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện thêm một số điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Phần lớn tại các thôn, bản vùng cao, biên giới của huyện Ðiện Biên, không ít hộ dân sinh sống tập trung tại các mỏm đồi, ven sông suối hoặc dưới chân núi cao, nguy cơ thiên tai vào mùa mưa lũ là rất lớn. Khoảng 3 - 4 năm gần đây, 62 hộ dân với gần 300 nhân khẩu bản Pa Xa Xá (xã biên giới Pa Thơm, huyện Ðiện Biên) từng ngày thấp thỏm, lo lắng bởi hiện tượng đá lở. Ông Lò Văn Tô, bản Pa Xa Xá cho biết: “Mấy năm gần đây, nhiều lần đá lở, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân, nhất là trong mùa mưa. Mỗi khi có mưa to, gió lớn, cả bản lại phải di chuyển lên trụ sở UBND xã hoặc Ðồn Biên phòng Pa Thơm trú tạm”. Năm 2017, để xử lý tạm thời tình trạng đá lăn, UBND huyện Ðiện Biên đã triển khai một số phương án như: Bạt cơ, san nền, đào đắp hàng nghìn mét khối đất đá, đào hào với chiều dài khoảng 120m, tạo tường chắn dài hàng chục mét trên núi, nhằm ngăn đá lăn xuống bản; khuyến cáo người dân cảnh giác và chủ động phòng tránh nguy cơ thiên tai có thể xảy ra. Song đến nay, “bức tường tạm” chắn đá đã không còn đảm bảo an toàn.

Cán bộ địa chính xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) kiểm tra vệt sụt lún tại nhà dân khu vực trung tâm xã. Ảnh: Phạm Trung

Bên dòng sông Ðà, trung tâm xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) có 5 cơ quan, đơn vị trường học và 10 hộ dân cũng không khỏi lo lắng, bất an khi phải sống, làm việc trên cung trượt kéo dài cả trăm mét. Mùa mưa lũ năm 2015, khu vực trung tâm xã xuất hiện 2 vết nứt do sụt lún, chiều dài trung bình các vết nứt từ 70 - 100m, chiều rộng từ 3 - 5m làm nứt vỡ sân bê tông, chân tường rào trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học, bưu điện xã; gây nứt tường và nền nhà làm việc trạm y tế xã. Ngoài ra, cung trượt còn gây ảnh hưởng đến 10 hộ dân sống xung quanh.  Ông Tẩn A Ðạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Mùa mưa hàng năm, UBND xã luôn bố trí các tổ công tác túc trực 24/24, khi xuất hiện mưa lớn, kéo dài 2 - 3 ngày, xã huy động đoàn viên thanh niên giúp người dân vận chuyển tài sản đến nơi ở tạm, đến khi hết mưa mới chuyển về. Mặc dù hiện nay 2 vết nứt không có dấu hiệu mở rộng, nhưng cán bộ, người dân đều mong muốn sớm được di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Dự án di chuyển trung tâm xã Huổi Só đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND xã Huổi Só mong muốn các cấp, ngành sớm triển khai thực hiện dự án.

Hàng năm, các địa phương thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê danh sách các hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở và xây dựng phương án di dời đến nơi ở mới an toàn. Hiện nay, đối với các các hộ riêng lẻ, chính quyền địa phương bố trí di dời bằng nguồn vốn theo Quyết định 1776/QÐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ di chuyển 20 triệu đồng/hộ. Ðối với trường hợp phải di chuyển tập trung, cần có điểm tái định cư và các hạng mục bổ trợ cần xây dựng dự án và đợi tỉnh phân bổ vốn mới có thể triển khai thực hiện. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Ðiện Biên thực hiện 9 dự án di chuyển tập trung các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Mường Nhé. Trong khi các dự án đang đợi vốn để triển khai thực hiện, chính quyền địa phương cần chỉ đạo người dân tại các vùng thiên tai nâng cao cảnh giác; xây dựng các phương án tạm thời để đảm bảo an toàn về người và tài sản.