Thực hiện hiệu quả chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Tư 9:56 09/10/2019

ĐBP - Những năm qua, nhiều chính sách dân tộc được triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả tích cực. Những chính sách dân tộc đó tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…

Người dân xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ.

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2019, thực hiện Chương trình 135, Ban Dân tộc hỗ trợ phát triển hạ tầng, đầu tư xây dựng 428 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, trường lớp học và phụ trợ, nhà sinh hoạt cộng đồng; duy tu, bảo dưỡng 82 công trình... Ðồng thời, Ban hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư sản xuất cho 21.209 lượt hộ, hỗ trợ 23,3 tấn giống lúa, ngô, đậu tương có năng suất, chất lượng, 183.230 cây ăn quả các loại, 27.500 cây sa nhân tím, 7.600 cây lâm nghiệp; hỗ trợ 6.103 con gia súc, 55.192 con gia cầm, 21.000 con cá giống; hỗ trợ 59.116 liều thuốc thú y, 60 tấn phân bón tổng hợp, 337,42 tấn thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ 3.583 bộ máy các loại cho 6.916 hộ và nhóm hộ; hỗ trợ nhân rộng 97 mô hình với 2.655 lượt người tham gia. Cùng với đó, Ban tổ chức 51 lớp tập huấn cho cộng đồng thút hút hơn 4.602 lượt người tham gia; 22 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở với hơn 1.529 lượt người tham gia góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách dân tộc tại cơ sở. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 tại các địa phương góp phần làm chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; thúc đẩy sản xuất, phát triển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Cơ sở hạ tầng nhờ đó cũng được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi và khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể.

Thực hiện chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Ban hỗ trợ gần 69 tỷ đồng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, hỗ trợ 670 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 149,5ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 5.077 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 10.047 hộ; đầu tư xây dựng 23 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết cho 2.538 hộ vay vốn với số tiền hơn 37 tỷ đồng. Thông qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, hạn chế được tình trạng di cư tự do, sản xuất tự phát manh mún, thay đổi tập quán canh tác của người dân. Ðồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện hỗ trợ cho hơn 1,16 triệu lượt người thuộc vùng khó khăn với 4.291,7 tấn muối i ốt, bột canh; 2.206,7 tấn giống nông nghiệp. Chính sách này góp phần giảm thiểu bệnh bướu cổ cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và giúp họ có thêm tư liệu sản xuất, giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo.

Một trong những chính sách dân tộc mang lại hiệu quả rõ nét nhất là việc thực hiện Ðề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên. Trong đó, với nguồn vốn hơn 102 tỷ đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh làm đường giao thông, cầu treo thôn bản, công trình nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ xóa mù chữ và tiếng phổ thông; hỗ trợ khôi phục và truyền bá văn hóa dân tộc... Ðến nay, việc triển khai Ðề án từng bước góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc Cống từ 78,8% năm 2012 xuống còn 56% năm 2018. Hơn nữa, người Cống đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán. Cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào được đầu tư cơ bản, giao thông đảm bảo lưu thông quanh năm; trường, lớp học cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dạy và học. Các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ điều kiện sống, phát triển sản xuất, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục... được thực hiện đầy đủ đúng chế độ giúp người Cống tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy bằng việc hỗ trợ đồng bào dân tộc Cống sản xuất các nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc, đặc biệt, hỗ trợ cho họ khôi phục lễ hội truyền thống và truyền bá văn hóa dân tộc...

Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đã giúp các địa phương giải quyết một phần khó khăn, bức xúc nhất ở các xã đặc biệt khó khăn, giúp người dân ổn định đời sống, sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn, các chính sách này góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.