Huổi Púng trăn trở hướng thoát nghèo

Thứ Năm 9:56 31/10/2019

ĐBP - Từ quốc lộ 4H đi vào bản Huổi Púng (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) là đường đất hẹp, chạy quanh sườn đồi nên chúng tôi chỉ có thể di chuyển bằng xe máy, có đoạn hai chiếc xe máy còn khó tránh nhau. Thoạt nhìn, bản Huổi Púng toàn những mái nhà tạm, ốp gỗ lưa thưa, nằm rải rác thành ba nhóm cách biệt ở ba quả đồi; địa hình mấp mô, cách trở nên các mái nhà dân cũng dựng chênh vênh, xen kẽ ruộng, nương.

Một góc bản Huổi Púng.

Tiếp chúng tôi bên hiên nhà xiêu vẹo giữa bản, già làng Giàng A Lềnh buồn rầu cho biết: “Bản tôi là bản thuần nông của người Mông di cư từ Hà Giang đến sinh sống đã hơn 30 năm. Ðến nay, bản có 38 hộ và gần 200 nhân khẩu. Nhiều năm qua, mặc dù bà con cũng xoay xở đủ cách để thoát nghèo, song do xuất phát điểm thấp cùng những khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất nên đời sống dân bản mãi chưa khấm khá lên được”.

Theo phân tích của già làng Lềnh, do địa hình bản không có vị trí bằng phẳng, mà chủ yếu là dốc núi cheo leo, vực thẳm hun hút, bởi vậy bà con sinh sống và canh tác hết sức khó khăn. Việc vận chuyển phân bón, cây giống lên nương gieo trồng và thu hoạch nông sản nhiều năm nay vẫn là nỗi khó nhọc nhất của bà con. “Nương của dân bản tôi đa phần ở xa nên không trông coi được thường xuyên, thường bị trâu, bò chăn thả tự do phá hoại, hoặc đến mùa chưa kịp thu hoạch đã bị thú rừng ăn, phá nát hết rồi. Vào mỗi vụ thu hoạch lúa nương, ngô, thì bà con trong bản vận chuyển về nhà khá vất vả, chủ yếu là vác nông sản đi bộ men theo sườn núi. Có khi vừa chất bao thóc lên vai vác đi, gặp đường trơn, trời tối là bị trượt ngã, rơi thóc xuống vực” - già làng Giàng A Lềnh cho biết.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng bà con bản Huổi Púng rất chịu đựng kham khổ và nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi tới thăm các nhà dân trong bản, hầu hết các gia đình chỉ có ngôi nhà rỗng, không có đồ đạc gì, hiếm hoi mới có gia đình sắm được xe máy, tivi. Tuy nhiên, quanh nhà vẫn là những mảnh vườn nhỏ trồng rau hay chuồng nuôi gà, vịt, lợn... để tự cung tự cấp cho cuộc sống hàng ngày. Gia đình anh Sùng A Hòa là hộ “khá” trong bản vì có chiếc xe máy và một chiếc quạt điện. Nói chuyện với chúng tôi trong tiếng gió quạt chạy bằng điện nước yếu ớt, anh Hòa tâm sự: “Gia đình tôi có 5 người nhưng chỉ có 2 lao động chính. Ruộng nương ở cách xa nhà hơn 5km, mỗi lần đi làm nương đã vất vả, vào mùa mưa càng khó nhọc hơn. Mặc dù vậy, vợ chồng tôi cũng chắt bóp được ít tiền và vay mượn thêm để tăng gia nuôi gia cầm, cung cấp cho gia đình, cho bà con trong bản, rồi đem ra chợ trung tâm xã bán. Tuy cố gắng rất nhiều nhưng gia đình tôi vẫn chưa thể thoát nghèo; mùa giáp hạt năm nay, cả nhà vẫn thiếu đói, phải nhờ trợ cấp để sinh sống”.

Không ít gia đình lâm vào tình trạng như gia đình anh Sùng A Hòa, họ lam lũ nhiều năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Gia đình chị Vừ Thị Kỷ là một ví dụ. Là phụ nữ, lại đông con nhưng hàng ngày chị Kỷ vẫn gùi từng quả dưa mèo, cây măng đắng, củ mài ra chợ trung tâm xã bán. “Có hôm tôi gùi nông sản đi bán từ sáng đến chiều về mới kiếm được một trăm năm mươi nghìn đồng. Biết khó nhọc nhưng cả gia đình tôi đều chắt chiu, cố gắng để đảm bảo duy trì đời sống sinh hoạt hàng ngày, mong sao đường sá được thuận lợi để chúng tôi đi lại, buôn bán được nhiều hơn” - chị Kỷ cho biết.

Nói về cái nghèo của bà con trong bản, anh Thào Xèo Lử, Trưởng bản Huổi Púng cho rằng: “Một phần do địa hình xấu, di chuyển không thuận lợi và ở vị trí cao, quanh năm khô nóng, thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu nên ảnh hưởng tới việc canh tác của bà con. Thêm vào đó là do chất đất nơi chúng tôi sinh sống kém màu mỡ, khiến việc trồng trọt nhiều năm không cho năng suất cao. Từ những năm trước, chính quyền các cấp cũng đã tạo điều kiện để bà con vay vốn, cải tạo đất, mở mang trồng trọt, chăn nuôi nhưng vẫn kém hiệu quả. Bao năm nay, bà con bản tôi vẫn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, mong sao chính quyền quan tâm đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện giúp chúng tôi xóa nghèo, ổn định cuộc sống”.

Về cơ sở hạ tầng, ngoài con đường đất chưa được quan tâm đầu tư, thì hiện nay bản Huổi Púng cũng chưa có điện lưới quốc gia; chỉ có hệ thống nước sạch mới được xây dựng giữa bản và một điểm trường mầm non cho trẻ theo học. Ðiểm trường Mầm non Huổi Púng cũng là nhà tạm, bên trong có hơn 20 trẻ theo học; cô giáo Lường Thị Thanh là giáo viên duy nhất đang dạy tại điểm trường. Tâm sự với chúng tôi sau khi cho trẻ ngủ trưa, cô Thanh cho biết: “Cùng với khó khăn chung của bản, thì việc ăn, ở, sinh hoạt của giáo viên và trẻ tại điểm trường cũng khá thiếu thốn, vất vả. Các em ăn, ngủ ở điểm trường là nhà tạm nên nóng bức vào mùa hè, lạnh vào mùa đông. Cùng với đó, hệ thống điện nước sử dụng yếu ớt cũng ảnh hưởng nhiều tới việc học hành của trẻ và sinh hoạt của giáo viên tại đây. Tuy gian khó, thiếu thốn trăm bề như vậy, nhưng sống ở điểm trường suốt thời gian qua, tôi thấy người dân ở đây rất đoàn kết và chịu khó. Bà con vẫn thường họp bản tìm cách thoát nghèo, hỗ trợ nhau cùng gieo trồng, thu hoạch, chở nông sản đi bán... Ðặc biệt, thanh niên, nam giới trong bản không thấy ai rượu chè bê tha, nghiện ngập và lười nhác như một số bản nơi khác tôi từng biết”.

Những chia sẻ của cô giáo Lường Thị Thanh khiến chúng tôi thêm phần trăn trở về cuộc sống và cái nghèo của bà con bản Huổi Púng. Mang nỗi trăn trở ấy tới gặp bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần, chúng tôi được biết, việc tìm cách xóa nghèo cho bà con Huổi Púng và một số bản nghèo khác trong xã Pa Tần hiện cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền xã Pa Tần. Nhiều biện pháp và cách làm đã được đưa ra giúp bà con xóa đói, giảm nghèo chưa hiệu quả, giờ đây sẽ được thay thế bằng các cách làm mới, như: Di chuyển các nhóm bản của Huổi Púng về điểm tập trung, cải tạo địa hình bản; nghiên cứu cây trồng thích hợp với thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng; tạo điều kiện vay vốn xóa đói, giảm nghèo... Ðặc biệt, việc cần làm ngay là chính quyền xã sẽ quan tâm huy động thêm vốn đầu tư để mở đường giao thông, đi lại thuận tiện đến Huổi Púng; ưu tiên các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống cho bà con bản Huổi Púng, xóa đi những khó khăn, nan giải nhiều năm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.