Khi vai trò giám sát cộng đồng được chú trọng

Thứ Sáu 8:44 08/11/2019

ĐBP - Giám sát cộng đồng (GSCÐ) là hoạt động tự nguyện hoặc do địa phương cắt cử phân công cán bộ cơ sở hoặc người dân tham gia nhằm theo dõi kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan đơn vị liên quan trong quá trình triển khai các dự án vốn Nhà nước hoặc các dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm tại địa phương. Nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, người giám sát sẽ thông tin, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, xử lý và khắc phục kịp thời. Hiện nay, tại huyện Nậm Pồ, hoạt động GSCÐ đang được triển khai rộng rãi và từng bước phát huy hiệu quả. Ðến nay, hầu hết các xã đều đã thành lập ban GSCÐ...

Thành viên Ban GSCÐ xã Pa Tần giám sát thi công đường giao thông nông thôn bản Lả Chà.

Tại Nghị định 84/2015/NÐ-CP quy định về giám sát và đánh giá đầu tư thì ban GSCÐ được quyền yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu chủ chương trình, dự án, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư… Như quyết định đầu tư, thông tin về chủ đầu tư, tiến độ và kế hoạch đầu tư, diện tích đất sử dụng, quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc đền bù giải phóng mặt bằng và các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của người dân trong mỗi dự án. Ðể thực hiện tốt vai trò giám sát, ban GSCÐ các xã khi được thành lập đều xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình; trong đó, trước hết là người giám sát phải nắm bắt, hiểu biết được những kiến thức cơ bản liên quan đến dự án.

Là thành viên Ban GSCÐ xã Nà Hỳ, ông Chảo Phù Hiển cho biết: Khi tham gia giám sát công trình thủy lợi Nà Liềng tại xã Nà Hỳ, chúng tôi đã tìm hiểu các thông tin cần thiết để phục vụ việc giám sát. Công trình này được đầu tư bằng nguồn vốn 30a của Chính phủ, với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục đập đầu mối và 1km kênh dẫn, phục vụ tưới tiêu cho 25ha lúa. Ðến nay công trình đã hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng. Trong suốt thời gian thi công, Ban GSCÐ xã Nà Hỳ đều cắt cử người giám sát tại công trình; chủ yếu theo dõi xem thi công đúng thiết kế hay không, việc sử dụng vật liệu có đảm bảo yêu cầu; đồng thời khi cần thiết sẽ tham gia giải quyết những vướng mắc phát sinh tại khu vực thi công công trình.

Năm 2018 - 2019, trên địa bàn huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư công. Riêng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có 35 dự án, chủ yếu là các dự án thuộc nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 và vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Các dự án chủ yếu đầu tư cho thủy lợi, đường giao thông và nhà văn hóa xã, thôn, bản. Ðể việc triển khai các công trình dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng đầu tư, các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các thành phần tham gia dự án đều nỗ lực thực hiện theo vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời thực hiện các bước triển khai đảm bảo đúng quy trình đối với mỗi dự án. Ðó cũng là nội dung được các ban GSCÐ chú ý khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhờ đó, việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện Nậm Pồ những năm gần đây có nhiều thuận lợi, giảm bớt được những mâu thuẫn, bức xúc giữa các đơn vị thực thi với người dân.

Ðể phát huy vai trò, tầm quan trọng của GSCÐ đối với chất lượng đầu tư các công trình trên địa bàn, điều quan trọng nhất là mỗi thành viên tham gia GSCÐ phải có bản lĩnh vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bên cạnh đó khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải kiến nghị kịp thời, khách quan, trung thực. Tuy nhiên, hiện nay thực tế những người làm công tác GSCÐ đều không có chuyên môn, nên họ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng một cách bài bản thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn khi tham gia ban GSCÐ. Bên cạnh đó cũng cần bố trí kinh phí hợp lý để phục vụ công tác giám sát. Khi hoạt động GSCÐ được triển khai một cách bài bản sẽ trở thành yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả các công trình.