Khó giải tỏa chợ tự phát

Thứ Ba 16:26 12/11/2019

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã tích cực trong công tác dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, song tình trạng này vẫn diễn ra tại một số điểm vỉa hè, gây mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Người dân họp chợ và dừng xe mua nông sản tại vỉa hè khu vực Sân vận động tỉnh.

Biết sai vẫn chiếm vỉa hè vì “mưu sinh”

Khoảng 8 giờ sáng hằng ngày, hàng chục người dân lại tập trung tại vỉa hè khu vực Sân vận động tỉnh, thuộc phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) để bày bán rau, củ, quả và các loại nông sản khác. Người bán ngồi ngay trên vỉa hè, còn người mua thì dựng xe dưới lòng đường, khiến khu vực này trở nên khá lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những người buôn bán trên vỉa hè này đến từ các xã: Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ), Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) hay một số xã của huyện Điện Biên… Vì không có chỗ ngồi bán hàng trong chợ hoặc chỗ ngồi không như ý nên họ kéo nhau ra ngồi bán tại vỉa hè với “niềm tin” bán tại mặt đường, nhiều người qua lại sẽ đắt hàng hơn.

Bán rau ở đây gần 1 năm nay nhưng ngày nào chị Lý Thị Đơ, bản Tà Lèng, xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) cũng thấp thỏm lo sợ bị Đội Quản lý tật tự đô thị, Công an phường tịch thu hàng, vì họp chợ không đúng nơi quy định. Vào trong chợ ngồi bán thì những chỗ tốt không còn nên chị mới chọn ngồi bán ở vỉa hè để nhiều người lui tới mua hơn. Biết là sai, nhưng vì mưu sinh, chị Đơ vẫn buôn bán chạy tới chạy lui; dù khổ nhưng bù lại không phải đóng phí nên cố gắng làm để nuôi các con ăn học.

Cũng giống như chị Đơ, chị Lý Thị Ve, cùng ở bản Tà Lèng cũng tìm đến đây để bán gạo. Ngồi bán ở đây đã lâu và thường xuyên bị lực lượng chức năng nhắc nhở, nhưng vì không có chỗ ngồi nên chị Ve đành “cố thủ” trên vỉa hè này, khi nào bị đuổi thì lại “chạy”.

Cùng cảnh ngộ với chị Đơ, chị Ve, 16 giờ hàng ngày, bà Lò Thị Xuyên, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) lại mang rau lên chợ tự phát trên Quốc lộ 12 thuộc địa phận phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) để bán. Vì không bán thường xuyên nên không có chỗ ngồi cố định trong chợ, bà Xuyên đành mang rau ra chợ tự phát này bày bán. Chia sẻ với chúng tôi, bà Xuyên cũng biết là sai nhưng với lý do thỉnh thoảng mới có rau củ đem đi bán nên tranh thủ ngồi tạm ở đây.

Theo người dân sống gần các khu chợ tự phát này, thời gian trước, cơ quan chức năng, UBND phường đã tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán trên vỉa hè. Đồng thời phân công lực lượng theo dõi thường xuyên nhắc nhở, thậm chí tịch thu hàng hóa của người bán hàng tự phát ở đây. Sau mỗi đợt như vậy, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè tạm ổn. Tuy nhiên, được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Nhà gần chợ tự phát trên vỉa hè khu vực Sân vận động tỉnh nên bà Nguyễn Thị Hường, tổ 32, phường Mường Thanh mới thấy hết được những tác động tiêu cực của khu chợ tạm này. Bà Hường than vãn: “Chỗ này cũng nhiều người phản ánh rồi, nhưng vì thuận đường cho người mua nên họ cứ thế mà tấp vào bên đường mua cho nhanh gọn, bởi vậy mà cơ quan chức năng cũng khó dẹp bỏ. Trong khi đó, xe cộ đỗ ngay dưới lòng đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao”.

Chợ tự phát trên vỉa hè Quốc lộ 12 (thuộc địa phận phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Loay hoay tìm giải pháp

Các chợ tự phát mọc lên không theo quy hoạch, buôn bán tràn lan, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị. Dù biết những tác động tiêu cực đó nhưng thời gian qua, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã triển khai nhiều giải pháp để dẹp các chợ tạm, nhưng rồi cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường vẫn tồn tại một số điểm họp chợ tự phát, nhưng khó xử lý nhất là tại khu vực vỉa hè Sân vận động tỉnh. Để dẹp bỏ các chợ tự phát này, phường đã chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ giữ trật tự, không cho người dân bày bán tràn lan dưới lề đường, họp chợ trên vỉa hè, gây ách tắc giao thông. Phối hợp với các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc phường tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và nắm bắt rõ các quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông ở khu vực này. Ngoài tuyên truyền, phường Mường Thanh còn liên hệ với các chợ trên địa bàn để tìm chỗ ngồi còn trống, giới thiệu cho người dân đến bán hàng. Tuy nhiên, những giải pháp đó cũng chỉ là tạm thời, không thể xử lý triệt để tình trạng họp chợ tự phát. Vậy nên, hiện nay chính quyền địa phương cũng hết cách rồi”.

Theo thống kê sơ bộ của Đội Quản lý trật tự đô thị, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ còn tồn tại 3 điểm họp chợ tự phát “nóng” nhất là: Khu vực vỉa hè Quốc lộ 12, thuộc địa phận phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ); khu vực vỉa hè Sân vận động tỉnh; điểm giao nhau giữa đường Bế Văn Đàn và đường Nguyễn Chí Thanh (Khu vực Nhà Thiếu nhi tỉnh). Chia sẻ với chúng tôi, ông Tạ Vương Thành, Tổ trưởng tổ Giao thông, Đội Quản lý trật tự đô thị, cho biết: Chợ tự phát hình thành và tồn tại vì thói quen mua, bán nhanh của cả đôi bên. Thực trạng tồn tại dai dẳng của các chợ tự phát không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn cản trở, mất trật tự an toàn giao thông. Vậy nên, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân buôn bán ở các chợ tự phát. Bên cạnh đó là xử phạt, cử lực lượng túc trực tại các điểm chợ tự phát. Tuy nhiên, khi có mặt lực lượng chức năng thì họ không bày bán nhưng khi chúng tôi đi thì họ lại bày ra, khiến cho công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ở đây gặp rất nhiều khó khăn…

Thực tế cho thấy, vào đầu giờ sáng hay vào cuối buổi chiều, tại những khu chợ tự phát, lượng xe cộ đông cùng với người mua dừng xe 2 bên đường, khiến giao thông trở nên hỗn loạn, hàng hóa ngổn ngang, gây mất mĩ quan đô thị, mà thực tế này vẫn chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn. Thiết nghĩ, ngoài nâng cao nhận thức của người dân về thói quen mua sắm văn minh, an toàn, thì về lâu dài, các cấp, ngành và địa phương cần nghiên cứu phương án tận dụng tối đa mọi nguồn lực xã hội, tìm mặt bằng phù hợp xây dựng chợ, tạo công ăn việc làm để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm lề đường, vỉa hè làm chợ, trả lại không gian, phần đường dành cho người đi bộ, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Video người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi họp chợ: