Ðồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

Thứ Năm 8:14 19/03/2020

ĐBP - Nhiều năm qua, công tác hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên được các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh quan tâm. Nhờ đó, tỷ lệ thanh niên được tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo việc làm ngày càng tăng; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm sau cao hơn năm trước; góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ðoàn viên, thanh niên tham gia lớp học nghề phi nông nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh.

Ðến thăm mô hình kinh tế gia trại tổng hợp của gia đình anh Phan Ðức Anh, đoàn viên thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) chúng tôi thực sự thán phục trước suy nghĩ và cách làm nhạy bén của gia đình. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả (bưởi Diễn, bưởi da xanh, xoài Ðài Loan…), anh Ðức Anh chia sẻ: Trước kia gia đình có trồng cà phê kết hợp chăn nuôi gia cầm nhưng vài năm gần đây cây cà phê không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, khi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm qua “kênh” Trung ương Ðoàn, gia đình tôi đầu tư 20 triệu đồng để chuyển đổi 4.000m2 cà phê già cỗi kém hiệu quả sang trồng mía tím; 30 triệu còn lại đầu tư xây chuồng trại nuôi hơn 200 con gà đẻ trứng. Nhờ nắm chắc các kỹ thuật chăn nuôi và tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn gà phát triển tốt, không mắc dịch bệnh; trung bình mỗi ngày gia đình thu trên 100 quả trứng (giá thị trường hiện là 4.000 đồng/quả). Thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình trừ chi phí thu về trên 80 triệu đồng/năm. Thực hiện tái đầu tư, lấy ngắn nuôi dài, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình; đầu năm 2019, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi 5.000m2 cây cà phê còn lại sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Xoài Ðài Loan, bưởi Diễn, bưởi da xanh...

Cùng là đoàn viên nhưng anh Lò Văn Minh, bản Nà Sự 2, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) lại bắt đầu từ 2 bàn tay trắng. Anh Minh tâm sự: Gia đình đông anh em nên học hết lớp 12 tôi phải ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Vì không có nghề trong tay nên người dân trong bản ai thuê gì làm ấy, lúc thì xẻ gỗ, lúc gặt lúa thuê… cũng chỉ kiếm đủ bữa qua ngày. Năm 2018, khi có lớp học nghề xây dựng của Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức tại xã tôi đã đăng ký học. Sau 3 tháng học tôi xin đi phụ cho các tổ xây dựng trên địa bàn tích lũy thêm kinh nghiệm, đến nay đã trở thành thợ chính; có thu nhập ổn định, ngoài cơm nuôi ra tôi được trả 250 nghìn đồng/ngày. Hàng năm, sắp xếp công việc đồng áng của nhà xong tôi lại theo các tổ thợ đi xây từ 3 - 5 tháng; hoặc gia đình nào trong bản có nhu cầu xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi tôi lại đứng ra nhận và gọi thêm 4 - 5 anh em cùng làm. Nhờ đó, một năm cũng tích lũy được một khoản trên 50 triệu đồng. Hiện nay, 32 học viên lớp xây dựng tôi theo học ai cũng có việc làm, người thì làm tại địa phương, người thì đi theo các cai xây dựng làm việc ở các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Ðiện Biên...

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, góp phần nâng cao mức sinh hoạt của người lao động nông thôn. Các ngành nghề đào tạo được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng xã; hình thức và nội dung đào tạo dễ nhớ, dễ hiểu, theo hình thức cầm tay chỉ việc phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức của người lao động… Người lao động sau khi học xong các khóa đào tạo nghề vận dụng được kiến thức đào tạo, biết cách tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập cho gia đình… Nhờ đó, đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất trong nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng tích cực.

Ðể hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Ðối tượng tập trung chủ yếu là học sinh THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bộ đội xuất ngũ, thanh niên nông thôn… Riêng trong năm 2019, Ðoàn thanh niên các cấp đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 20.358 lượt đoàn viên thanh niên; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn, giải quyết việc làm cho trên 10.000 thanh niên, vận động 4.271 thanh niên đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh. Ðoàn thanh niên các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hiệu quả các dự án vay vốn giải quyết việc làm; hiện đang quản lý 19.684 hộ đoàn viên thanh niên vay vốn với tổng dư nợ trên 712 tỷ đồng. Các dự án, vốn vay đều sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên con đường lập nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 153 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trang trại trẻ với 363 đoàn viên thanh niên tham gia có mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm…

Anh Nguyễn Hữu Ðại, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác đào tạo nghề cho đoàn viên thanh niên còn những hạn chế, khó khăn. Việc đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn theo tính mùa vụ, công việc không thường xuyên (ví dụ nghề trồng nấm, các hộ gia đình chưa chủ động được nguồn rơm để sản xuất quanh năm); nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ đoàn viên thanh niên có tâm lý ngại đi lao động ngoài tỉnh, tính kỷ luật lao động chưa cao…