Ðể lực lượng bảo lâm yên tâm giữ rừng

Thứ Tư 8:28 13/05/2020

ĐBP - Trong sự nghiệp bảo vệ rừng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, bên cạnh lực lượng kiểm lâm còn có các cán bộ bảo lâm. Họ là người địa phương, thường xuyên bám nắm cơ sở để giữ rừng. Ðể người giữ rừng, bảo vệ rừng này tâm huyết với công việc, thời gian qua, TP. Ðiện Biên Phủ có cơ chế, chính sách hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi cho các bảo lâm; góp phần quan trọng vào công tác quản lý, phát triển rừng trên địa bàn.

Kiểm lâm địa bàn và bảo lâm xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ) rà soát các diện tích rừng trên địa bàn.

Dù đã có mưa nhưng dưới ánh nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 5, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì lẽ đó, cán bộ kiểm lâm địa bàn và bảo lâm xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ) lại cùng nhau tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao quản lý. Tham gia tuần tra rừng có anh Mùa A Ðồng, bản Nà Pen, xã Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ) - một cán bộ bảo lâm xã Nà Nhạn. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, anh Ðồng vừa là công an viên, vừa là bảo lâm xã. Và từ khi tham gia lực lượng bảo lâm, anh Ðồng được nhận 1,5 triệu đồng/tháng kinh phí địa phương hỗ trợ cho cán bộ bảo lâm. Dù số tiền không nhiều nhưng với anh Ðồng và các cán bộ bảo lâm khác, đó là nguồn động viên để các anh gắn bó hơn với công tác giữ rừng.

Anh Ðồng chia sẻ: “Diện tích rừng trên địa bàn xã Nà Nhạn khá rộng. Là một công an viên của bản, tôi thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong việc giữ rừng. Và đặc biệt là từ năm ngoái, tôi bắt đầu tham gia lực lượng bảo lâm của xã. Với 2 vai trò công an viên và bảo lâm thì trách nhiệm của tôi thêm nặng nề, công việc nhiều hơn. Nhưng được chính quyền địa phương quan tâm và bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ hàng tháng, anh em bảo lâm rất phấn khởi. Từ nguồn động viên đó, tôi tự nhủ mình phải có trách nhiệm giữ rừng tốt hơn để xứng đáng với sự quan tâm của chính quyền địa phương”.

Cùng quan điểm với anh Ðồng, anh Lò Văn Lanh, bảo lâm xã Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Thực hiện chi trả hỗ trợ cho bảo lâm theo Quyết định của UBND TP. Ðiện Biên Phủ, hàng tháng 2 bảo lâm xã Mường Phăng đều được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ, chính sách của UBND TP. Ðiện Biên Phủ đối với lực lượng bảo lâm đã thôi thúc những bảo lâm như tôi nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cùng kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng. Với ưu điểm là người địa phương, chúng tôi sẽ tập trung vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng, phân tích cho họ hiểu làm sao để giữ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn, vì rừng chính là nguồn sống của con người…

Trao đổi với chúng tôi, bà Lò Thị Thi, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Từ khi 4 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang của huyện Ðiện Biên sáp nhập vào TP. Ðiện Biên Phủ, diện tích rừng quản lý rộng hơn. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nặng nề hơn, trong khi lực lượng kiểm lâm của Hạt còn mỏng. Vì vậy, UBND thành phố đã bố trí nguồn ngân sách địa phương để bổ sung thêm lực lượng bảo lâm cho 5 xã có rừng trên địa bàn (2 bảo lâm/xã). Với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng được lấy từ nguồn ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho các bảo lâm đã động viên họ rất nhiều; qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm để họ trở thành lực lượng đắc lực giúp đỡ cho kiểm lâm địa bàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn còn mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng mà nhiều người dân vẫn có thói quen sống dựa vào tài nguyên rừng dẫn đến việc tiềm ẩn những nguy cơ cao và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ðể hỗ trợ cho các kiểm lâm viên, bảo lâm có vai trò hết sức quan trọng. Họ là lực lượng nòng cốt để bảo vệ rừng tại chỗ và phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng; bám sát thông tin, phát hiện các vụ việc vi phạm lâm luật, cháy rừng… trên địa bàn để cùng phối hợp với kiểm lâm kịp thời ngăn chặn. Do vậy, việc đảm bảo chế độ, chính sách hợp lý cho lực lượng bảo lâm là rất cần thiết để hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.