Ðể không còn “chợ cóc”

Thứ Hai 9:26 16/11/2020

ĐBP - Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đã tích cực tuyên truyền, vận động và nhiều lần ra quân nhằm dẹp bỏ các “chợ cóc”, chợ tạm, song tình trạng người dân tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, dẹp chợ tự phát, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông đô thị đang là vấn đề nan giải của TP. Ðiện Biên Phủ.

Chợ tạm ven quốc lộ 279, đoạn qua trung tâm xã Nà Tấu đã được dẹp bỏ sau khi chợ trung tâm xã Nà Tấu được xây dựng.

“Khó giải quyết dứt điểm”

Phường Mường Thanh là địa bàn có tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán nhiều nhất TP. Ðiện Biên Phủ. Trong đó, có 2 điểm chợ tự phát phức tạp là: Khu vực vỉa hè Sân vận động tỉnh; điểm giao nhau giữa đường Bế Văn Ðàn và đường Nguyễn Chí Thanh (Khu vực Nhà Thiếu nhi tỉnh). Tại điểm chợ tự phát dọc 2 bên vỉa hè khu vực sân vận đồng tỉnh người dân tổ chức mua bán từ tờ mờ sáng đến gần trưa và cuối buổi chiều hàng ngày. Ðây là khu vực có lưu lượng người qua lại nhiều và đặc biệt là ngay cạnh Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (trường học có số lượng học sinh đông nhất tỉnh). Giờ cao điểm, lượng xe cộ đông đúc cùng với người mua dừng xe 2 bên đường; học sinh tan học; phụ huynh tranh thủ lúc đón con để mua hàng hóa khiến giao thông lộn xộn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh khẳng định: Hiện nay, UBND phường không thể giải quyết dứt điểm tình trạng “chợ cóc”, chợ tạm trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, UBND phường phối hợp với đội trật tự đô thị TP. Ðiện Biên Phủ đã tổ chức nhiều lần ra quân tuyên truyền, vận động người dân và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, khi lực lượng có mặt thì người dân tuân thủ, lực lượng chức năng vừa rời khỏi thì mọi việc đâu lại vào đấy. Dù chế tài xử phạt nặng đối với những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ song thời gian qua UBND phường chủ yếu tuyên truyền, vận động mà rất ít khi xử lý. Lý do là khoảng 98% người bán hàng tại các điểm này là bà con dân tộc tại các xã lân cận ra thành phố bán hàng mưu sinh.

Từ năm 2018, tại khu vực bản Che Phai (phường Thanh Trường), trên quốc lộ 12, người dân lại biến vỉa hè thành chợ tự phát. Lúc đầu, nơi này chỉ lác đác vài hàng rau, củ, quả nhưng rồi theo thời gian, “chợ cóc” Che Phai ngày càng phình to với đủ các loại hàng hoá, từ đồ ăn sáng cho đến thực phẩm và hàng tiêu dùng. Hàng ngày, chợ cóc họp từ 5 giờ - 9 giờ và từ 16 - 19 giờ.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho biết: Rất khó để giải quyết dứt điểm “chợ cóc” Che Phai. Từ năm 2018, UBND phường đã thành lập một tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng phối hợp với Ðội Trật tự đô thị thành phố giải quyết điểm chợ tự phát này. Hàng ngày, tổ công tác triển khai nhiệm vụ từ 6 giờ 30 phút - 10 giờ 30 phút và từ 15 giờ - 17 giờ. Tuy nhiên, khi nào tổ công tác không có mặt thì người dân lại tập trung để buôn bán.

Giải pháp bền vững

Ðể giải quyết dứt điểm vấn đề chợ tạm, chính quyền các phường, xã đều cho rằng với chế tài và phương pháp hiện tại thì không thể mà UBND TP. Ðiện Biên Phủ cần có chính sách khả thi hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: Người dân tổ chức họp chợ trên vỉa hè, khu vực đông người mục đích chính là để mưu sinh. Mà vì mưu sinh thì lực lượng chức năng và chính quyền khó ngăn cản. Phải giải quyết được vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, để họ có thu nhập, ít nhất là đủ phục vụ cuộc sống là giải pháp cốt lõi, lâu dài để dẹp bỏ chợ tạm. Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch lại hệ thống chợ, đầu tư xây dựng khu chợ phục vụ nhu cầu của những người buôn bán nhỏ lẻ. Bởi vì hiện nay, các chợ có diện tích quá nhỏ và những người bán hàng vỉa hè cũng không đủ điều kiện vào ngồi bán tại các chợ như: Chợ Trung tâm 1, Trung tâm 3, C13…

Ðồng quan điểm, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho biết: Ðầu tư xây dựng chợ tại vị trí phù hợp, đủ diện tích để phục vụ nhu cầu của người dân là giải pháp tối ưu để giải quyết dứt điểm chợ tạm Che Phai. Trên địa bàn phường có chợ C13 nhưng diện tích quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Hiện nay, UBND phường đã có tờ trình UBND TP. Ðiện Biên Phủ về việc đầu tư xây dựng chợ và đang đợi cấp trên cân đối nguồn, bố trí vốn để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Quy hoạch và xây dựng chợ được coi là giải pháp tối ưu hiện nay. Và thực tế tại xã Nà Tấu cho thấy giải pháp này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Chợ tạm dọc quốc lộ 279 ở xã Nà Tấu hình thành từ năm 2008. Chợ kéo dài khoảng 600m ven quốc lộ 279. Có thời điểm, khu chợ có trên 200 người bán hàng. Hơn 10 năm, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp song vẫn không thể ngăn người dân ra họp chợ. Ðến năm 2015, UBND xã Nà Tấu xin vốn đầu tư chợ Nà Tấu. Ðến năm 2018, chợ Nà Tấu được khởi công xây dựng trên diện tích 3.000m2, với quy mô 21 gian hàng cố định và trên 60 gian hàng lưu động. Tháng 9/2020, chợ hoàn thành đưa vào sử dụng. Từ tháng 9 đến nay, chợ cóc dọc quốc lộ 279 đã được dẹp bỏ hoàn toàn; 100% người dân được vận động và đồng ý vào chợ mới xây để buôn bán, trả lại đoạn quốc lộ thông thoáng, sạch sẽ.