Ðào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Chủ Nhật 11:22 29/11/2020

ĐBP - Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề trên địa bàn tỉnh, từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hầu hết LÐNT sau đào tạo có việc làm cơ bản là các nghề nông nghiệp và tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Do vậy, cần có giải pháp gắn đào tạo nghề cho LÐNT với giải quyết việc làm, để góp phần từng bước phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Nhiều lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp đã tự tạo được việc làm cho bản thân và gia đình. Trong ảnh: Lao động nông thôn tại huyện Tuần Giáo mở cơ sở hàn xì sau khi học nghề phi nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 26.487 LÐNT được học nghề; trong đó 18.502 lao động học nghề nông nghiệp (chiếm 69,85%); 7.985 lao động học nghề phi nông nghiệp (chiếm 30,15%). Số LÐNT có việc làm sau học nghề là 21.145 người (đạt 79,83%). Sau đào tạo, số người có việc làm thông qua các hình thức tự tạo việc làm bằng cách duy trì việc làm cũ; được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng; được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với thu nhập bình quân từ 4,2 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Với đặc thù chủ yếu là người dân tộc thiểu số, làm nghề nông nghiệp, huyện Nậm Pồ xác định cơ cấu đào tạo ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong 5 năm (2016 - 2020) huyện đã đào tạo 1.694 người học nghề nông nghiệp, 216 người học nghề phi nông nghiệp. Ða số lao động học nghề nông nghiệp tự tạo được việc làm cho bản thân, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần tăng thu nhập. Ðặc thù trên địa bàn gần như không có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng hóa, huyện Nậm Pồ còn nỗ lực gắn đào tạo với thị trường xuất khẩu lao động với việc hỗ trợ 38 lượt người tham gia hình thức này; tổ chức đưa 200 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc phần lớn lao động tham gia học nghề nông nghiệp lại là cản trở cho việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Tương tự huyện Nậm Pồ, huyện Ðiện Biên Ðông có trên 80% lao động sau học nghề đều có việc làm, nhưng hầu hết vẫn là các nghề nông, lâm nghiệp. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông chỉ có Trường Cao đẳng nghề Than khoáng sản Việt Nam (tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp đào tạo và bố trí việc làm sau đào tạo cho 131 lao động.

Nhìn vào những con số trên có thể thấy rằng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt ở mức khá. Song chủ yếu vẫn thuộc lĩnh vực nông nghiệp với hình thức tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động những nghề đã có từ trước. Số LÐNT sau khi học nghề được doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tuyển dụng vào làm việc còn hạn chế; tỷ lệ LÐNT được học nghề phi nông nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định chưa cao. Nguyên nhân như đã xác định ở trên, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, khả năng thu hút lao động vào làm việc và đóng góp cho giáo dục nghề nghiệp rất hạn chế. Việc học nghề chưa gắn với các chính sách hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho người dân nên tạo việc làm sau học nghề chưa thực sự bền vững.

Do vậy, để đào tạo nghề cho LÐNT gắn với giải quyết việc làm góp phần từng bước phát triển nguồn nhân lực của địa phương cần phải tập trung tháo gỡ nhiều “nút thắt”. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đầu tiên cần làm là từng bước giải quyết các vấn đề tồn tại về trình độ dân trí thông qua xóa mù chữ, phổ cập giáo dục nhằm tiếp tục nâng cao dân trí, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số chiếm 84,15% lực lượng lao động toàn tỉnh trong khi nhóm đối tượng này tham gia học nghề phi nông nghiệp chưa cao. Ðồng thời, thay đổi cách tiếp cận chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm vùng dân tộc thiểu số theo hướng các chính sách này phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của lao động và phải có sự tính toán đến các khía cạnh đặc thù về đối tượng, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, văn hóa của từng cộng đồng dân tộc vùng dân tộc thiểu số. Có thể nghiên cứu tới việc giảm hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện để nâng trách nhiệm của đối tượng được thụ hưởng. Việc triển khai thực hiện Ðề án đào tạo nghề cũng phải được lồng ghép chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa phương. Ðặc biệt cần bám sát mục tiêu thực hiện tiêu chí nông thôn mới, Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm… Ngoài ra, cũng cần quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.