Người dân hưởng lợi khi thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh

Thứ Hai 9:25 14/12/2020

ĐBP - Sau 5 năm thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến huyện, theo Khoản 15, Ðiều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, bắt đầu từ 1/1/2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này không những tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi không cần giấy chuyển viện vẫn được khám chữa bệnh (KCB) mà còn giúp họ được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc.

Bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh chăm sóc người bệnh đang điều trị nội trú.

Theo quy định hiện hành, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả  40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.

Như vậy, theo quy định mới này, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước đối với những đối tượng là: Sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội, công an nhân dân, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo, những trường hợp có chi phí chi cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến). Chi trả 95% chi phí đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân người có công với cách mạng (trừ cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người thuộc hộ gia đình cận nghèo). Chi trả 80% chi phí với các đối tượng khác.

Những quy định mới được áp dụng từ năm 2021 đang là tin hết sức vui mừng với người dân. Ông Trần Quang Nam (65 tuổi), phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ phấn khởi chia sẻ: Các con tôi làm ăn ở các tỉnh miền xuôi nên cứ vài tháng tôi lại xuống thăm con cháu một lần. Tới đây tôi không còn phải lo tránh lịch khám định kỳ, hay ốm đau khi đang thăm con thì điều trị tốn kém, phức tạp nữa vì điều trị trái tuyến thì vẫn được Quỹ BHYT chi trả 100% giá trị thẻ BHYT nơi đăng ký ban đầu.

Cũng phấn khởi, vui mừng trước quy định mới này, bà Nguyễn Thị Mơ, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) chia sẻ: “Ốm đau, bệnh tật không ai muốn và cũng không ai tránh khỏi; nhưng khi có bệnh thì ai cũng mong muốn được điều trị tại các cơ sở KCB có chất lượng tốt. Tới đây, khi BHYT đã thông tuyến tỉnh trong toàn quốc, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn”.

Có thể khẳng định, việc thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc là điều hết sức thuận lợi cho người tham gia BHYT. Vừa tạo điều kiện cho người dân KCB, vừa giúp người dân có cơ hội được hưởng dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các bệnh viện. Ông Lù Văn Lưu, Phó Giám đốc BHXH huyện Mường Ảng nhận định: Bên cạnh thuận lợi của việc thông tuyến, đây cũng thực sự là thách thức đối với các cơ sở KCB nói chung và cơ sở KCB công lập nói riêng. Bởi khi đã thông tuyến, bệnh viện nào có chất lượng chuyên môn tốt, có tinh thần thái độ phục vụ tốt thì sẽ thu hút được người bệnh đến đăng ký KCB ban đầu, cũng như sử dụng dịch vụ tại đây. Quy định thông tuyến đã buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi ích rất nhiều từ việc này. Nhưng quan trọng hơn, đối với việc thực hiện chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi hơn trong KCB BHYT, đây sẽ là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT; từ đó tiến tới lộ trình bao phủ BHYT toàn dân.