Bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực

Chủ Nhật 12:13 04/07/2021

ĐBP - Trước thực trạng môi trường đang bị đe dọa hàng ngày bởi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người gây ra… những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực, sáng tạo, nhất là trong công cuộc chống rác thải nhựa, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp…

ĐVTN huyện Mường Ảng trồng cây tạo cảnh quan tại trung tâm hành chính huyện.

Bảo vệ môi trường - chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua được cả xã hội quan tâm và hưởng ứng. Với chị Nguyễn Thị Hiền, chủ quán sữa hạt Hiền Canaan, TP. Điện Biên Phủ, việc xây dựng lối “sống xanh” bấy lâu nay đã trở thành thói quen trong mỗi việc làm cũng như hành động của chị. Không chỉ nói không với rác thải nhựa trong đời sống sinh hoạt mà trong hoạt động kinh doanh, chị Hiền cũng không sử dụng các vật dụng bằng nhựa để đựng đồ ăn, thức uống cho khách hàng. Chị Hiền chia sẻ: Nhận thức môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống con người, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đang là hồi chuông cảnh báo đến nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện nay. Mà một trong những vấn đề dẫn đến điều đó, là do con người sử dụng và xả thải quá nhiều rác thải, túi bóng, túi nilon… ra môi trường; chính vì thế, để đẩy lùi vấn nạn này, từ khi mở quán nước đậu và bán các sản phẩm làm từ hạt đậu, chị Hiền đều đóng sản phẩm vào chai thủy tinh hoặc đóng vào các hộp giấy thông thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cùng với ý thức tự giác của mỗi cá nhân, nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị trường học đã sáng tạo, sử dụng các vật dụng hư hỏng làm từ nhựa để thiết kế đồ dùng học tập, đồ chơi cho học sinh… Tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Tuần Giáo, ngoài việc truyền dạy cho học sinh các kiến thức liên quan đến bảo vệ môi trường, các thầy cô giáo còn tận dụng những đồ đạc liên quan đến nhựa tái chế, “biến” chúng thành những đồ dùng học tập đẹp mắt, như: Chậu hoa, cây cảnh, đồ chơi, trang thiết bị dạy học… Cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Tuần Giáo chia sẻ: Bản thân là giáo viên giảng dạy môn Tin học, tôi hiểu rằng, để mỗi tiết học trở nên sinh động, thiết thực, việc dạy lý thuyết phải song hành với thực tiễn. Do đó, ngoài các trang thiết bị có sẵn của nhà trường, tôi thường sưu tầm một số vật dụng bỏ đi từ nhựa, nhất là các máy tính hỏng vừa là để thiết kế cho bài giảng sinh động, vừa là chống tác hại của rác thải nhựa về sau.

Chung tay bảo vệ môi trường, cùng với các hoạt động phòng, chống rác thải nhựa, việc trồng cây xanh, trồng rừng, tạo cảnh quan môi trường cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Ngay tại TP. Điện Biện Biên Phủ, hệ thống cây xanh ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 46 tuyến đường nội thị, trong đó, 36 tuyến đã được quy hoạch hành lang, hè phố và trồng gần 10.000 cây xanh các loại. Tại huyện Nậm Pồ, ngày 25/6 vừa qua, các cơ quan, đơn vị cùng các xã trên địa bàn huyện đã ra quân trồng gần 3.000 cây hoa ban trên các trục đường chính của huyện. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chung tay bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp…

Còn đối với huyện Mường Ảng, việc trồng cây xanh, hoa và cây cảnh tạo cảnh quan môi trường những năm gần đây đã được quan tâm đúng mức. Giờ đây, phong trào trồng hoa, cây cảnh ven các trục đường đến trung tâm các xã đã được triển khai đồng bộ, nhất là các trục đường chính khu vực nội thị trung tâm huyện Mường Ảng. Chị Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng chia sẻ: Với tinh thần hành động vì môi trường, thời gian qua, tuổi trẻ trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng, chăm sóc cây, trồng rừng… từ đó tạo diện mạo, bộ mặt nông thôn cũng như đô thị ở Mường Ảng đang ngày một trở nên khang trang, sạch đẹp hơn.