Phòng, chống cháy nổ phải từ ý thức con người

Thứ Hai 8:36 04/10/2021

ĐBP - Có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên vụ cháy nhà của gia đình bà Công Thị Vân, đội 5, Khu đô thị Pom La, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vào tháng 3/2020. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã tiêu hủy 98 tấn thóc, 120 tấn bông chít và nhiều vật dụng có giá trị với tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Nguyên nhân sâu xa của vụ cháy được xác định là do chập điện. Bông chít khô là vật dễ cháy lại được chứa cùng với thóc và nhiều vật dụng dễ cháy khác, nên khi xảy ra hỏa hoạn lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC & CNCH) phải mất 5 giờ để khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an tỉnh) diễn tập ứng phó tình huống xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Tú Anh

Cũng liên quan đến chập điện, vụ cháy ngày 4/3/2021 xảy tại Chợ Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ đã thiêu hủy 12 ki ốt quần áo của 5 hộ kinh doanh, ước tính trị giá khoảng 960 triệu đồng. Hay vào tháng 5 vừa qua, tại bản Sín Chải, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà của gia đình bà Tẩn Tà Mẩy. Ngay khi xảy ra cháy, lực lượng tại chỗ đã tiến hành các biện pháp chữa cháy, nhưng ngọn lửa quá lớn lại thiếu phương tiện chữa cháy nên không thể kịp thời khống chế được vụ cháy. Trong khi đó, địa điểm xảy ra vụ cháy cách Phòng PCCC & CNCH (Công an tỉnh) tới 200km, cách Đội Cảnh sát PCCC hơn 60km đường đồi núi, lại diễn ra ban đêm nên lực lượng không kịp tiếp cận. Vụ cháy đã khiến cháu bé sinh năm 2013 thiệt mạng. Vụ cháy được xác định là do gia đình đun bếp củi, không dụi tắt bếp hoàn toàn nên than nóng đã âm ỉ bén vào các vật dụng xung quanh gây ra hỏa hoạn…

Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ từ việc vô ý không khóa bình gas, dập tắt bếp củi hoàn toàn sau khi dùng xong; quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà... Những hành động tưởng chừng rất nhỏ ấy dẫn tới hậu quả khôn lường. 

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an tỉnh), từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy, trong đó cháy nhà 18 vụ; cháy ki ốt bán hàng 1 vụ; cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh 1 vụ; cháy văn phòng làm việc 2 vụ; cháy gara ô tô 2 vụ; cháy xe ô tô 1 vụ; cháy máy xúc 1 vụ; cháy rừng và thảm thực vật 6 vụ; 5 vụ sự cố chập cháy đường dây dẫn điện hạ thế 0.4Kv. Làm chết 1 người, 6 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản khoảng 10 tỷ đồng, 5.59ha rừng và 15,51ha thảm thực vật.

Thượng tá Kiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Nguyên nhân các vụ cháy, sự cố hỏa hoạn chủ yếu do người dân sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo PCCC tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng, phát động và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC cho các cấp, ngành và toàn dân thực hiện đồng bộ các biện pháp PCCC. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện, khắc phục kịp thời các cơ sở thiếu sót về PCCC. Tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành quy định phân cấp và tổ chức thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC & CNCH theo chức năng nhiệm vụ; ký kết Quy chế phối hợp giữa Công an các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu về công tác chữa cháy và CNCH; tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và CNCH đối với tình huống cháy nổ phức tạp có sự phối hợp nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. 

Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH phối hợp với các phòng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC & CNCH; xây dựng và đăng phát các nội dung, tin, bài, phóng sự, clip cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC và thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Tổ chức 35 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp trên tỉnh với tổng số 2.100 người tham gia; 92 buổi tuyên truyền về công tác PCCC & CNCH cho trên 15.200 người tham gia. Cùng với đó, xây dựng 58 phương án chữa cháy của cơ quan Công an, 14 phương án CNCH. Phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn cho 302 cơ sở xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, 89 cơ sở thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ; phê duyệt 26 phương án chữa cháy cho các cơ sở. Đồng thời đơn vị duy trì chế độ trực 100% quân số sẵn sàng chữa cháy và CNCH trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn, ngày lễ của đất nước, của tỉnh.

Đặc biệt, yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, nhất là các khách sạn, nhà hàng, nhà cao tầng có phương án thiết kế kỹ thuật PCCC được cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định trước khi công trình đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn công tác PCCC & CNCH.

Cùng với đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị, cơ sở tự kiểm tra công tác an toàn PCCC, bố trí lực lượng phương tiện, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy và CNCH, tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ...

Mỗi vụ cháy xảy ra, để lại hậu quả khôn lường về vật chất và con người. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH thực sự hiệu quả cần nâng cao ý thức của từng người dân, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ý thức của người đứng đầu về công tác PCCC & CNCH.