Công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Ðiện Biên

Cần sự đồng thuận của người dân

Thứ Tư 9:12 21/11/2018

ĐBP - Những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các ngành liên quan cơ sở vật chất, nhân lực cho hệ thống mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được chú trọng; đồng thời, được sự hỗ trợ tốt về nguồn vắc xin, nên công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã có nhiều khởi sắc. Cùng với đó, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, ngành Y tế huyện đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể từ tuyên truyền, vận động đến rà soát, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vắc xin. Hàng năm, công tác tuyên truyền về TCMR được triển khai dưới nhiều hình thức như: Phát tài liệu truyền thông; treo băng rôn, áp phích; thông tin trên báo chí, truyền thông…

Ðặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y tế thôn, bản nên công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng xuống từng địa bàn dân cư, hộ gia đình. Với những hoạt động cụ thể, hiệu quả, đến nay công tác TCMR trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt trẻ em vùng cao, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên khám bệnh cho trẻ em.

Mặc dù công tác TCMR đã đạt được một số kết quả đáng kể, nhưng hiện vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Một trong những “rào cản” lớn nhất ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng, đó là nhận thức và sự hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa thiếu kiến thức, thông tin. Qua tìm hiểu được biết, nhiều người dân không muốn đưa con đi tiêm chủng vì lo ngại về những phản ứng sau tiêm và sự an toàn của vắc xin; thậm chí có người dân còn yêu cầu cán bộ phải viết giấy cam kết không bị phản ứng, không sốt… thì mới cho con em mình tiêm. Bên cạnh nhận thức của người dân thì công tác tiêm chủng trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn, bản còn nhiều khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác TCMR của huyện.

Dù công tác TCMR được triển khai thường xuyên và đồng bộ ở 100% xã, song theo thống kê trong 9 tháng qua tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Cụ thể, có 1.631/2.380 trẻ em trong độ tuổi 18 tháng được tiêm nhắc lại sởi - rubella (chiếm 68,5%); số trẻ được tiêm phòng vắc xin DPT (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) là gần 1.500 trẻ (chiếm 62,4%); số trẻ được tiêm vắc xin não Nhật Bản mũi 3 chiếm 64,7%. Hơn 1.700/2.400 trẻ em dưới 1 tuổi đươc tiêm vắc xin phòng sởi… Trong đó, nhiều xã có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, như: Pa Thơm từ đầu năm đến nay có 19 trẻ trong độ tuổi 18 tháng thế nhưng chỉ có 8 trẻ được tiêm phòng sởi - rubella, vắc xin DPT (chiếm 42,1%); Mường Lói 22/57 trẻ được tiêm phòng các loại bệnh trên (chiếm 38,6%); Mường Pồn (44,9%)…

Bác sĩ Cà Văn Nội, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên, cho biết: Ðể bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, các trạm y tế xã, đội y tế dự phòng đều xây dựng kế hoạch, bố trí lịch tiêm phù hợp. Các khâu trong quy trình an toàn tiêm chủng cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt. Cùng với thực hiện các quy trình an toàn trong tiêm chủng, công tác giám sát phản ứng sau tiêm được tăng cường. Cũng theo bác sĩ Nội việc phản ứng sau tiêm như là một phần tất yếu khó tránh khỏi của tiêm chủng. Vì vậy, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu rõ về việc tiêm chủng, thông báo về tình trạng sức khỏe của con em mình để cán bộ y tế cân nhắc trước khi tiêm hoặc hoãn lịch tiêm. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TCMR. Chú trọng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, tham mưu cho UBND huyện từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác TCMR... Ðể tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên đạt cao, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thì ngoài nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong công tác tiêm chủng, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong công tác tiêm chủng.