Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Thứ Tư 9:18 13/03/2019

ĐBP - Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: Qua theo dõi, thống kê tình hình dịch bệnh trên địa bàn có diễn biến phức tạp ngay từ đầu năm. Ngoài một số bệnh truyền nhiễm lưu hành ghi nhận xảy ra rải rác tại một số địa phương thì thời tiết giao mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa... Từ đầu năm đến nay các địa phương trên địa bàn đã ghi nhận 857 ca mắc cúm, 557 ca tiêu chảy, 57 ca mắc thủy đậu, 31 ca mắc sởi, 24 ca lỵ trực trùng, 4 ca mắc quai bị… Ðáng chú ý là ổ dịch sởi xảy ra tại bản Huổi Chổn (xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên) lên tới 15 ca mắc tập trung.

Qua điều tra ổ dịch sởi tại bản Huổi Chổn cho thấy, ca mắc bệnh đầu tiên là Vừ A Nụ (SN 1993) vào ngày 16/1/2019. Bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm theo ho nhiều, đau đầu, đau mỏi khắp người, ăn uống kém. Bệnh nhân tự mua thuốc kháng sinh về điều trị nhưng không đỡ. Ðến ngày 20/1/2019, ban bắt đầu từ mặt sau lan ra toàn thân, bệnh nhân ho nhiều, mắt đỏ kèm theo tiêu chảy và được gia đình đưa vào nhập viện. Sau đó là nhiều người trong bản đều được ghi nhận mắc sởi ở các độ tuổi khác nhau (trong đó, có 2 ca dưới 9 tháng tuổi, 5 ca từ 9 tháng đến 4 tuổi, 2 ca từ 5 - 9 tuổi và 6 ca trên 15 tuổi). Ngày 15/2/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thành lập đoàn công tác phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên điều tra, xác minh các yếu tố dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi hoặc sởi - rubella cho các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng tại xã Nà Nhạn. Ðồng thời tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân vùng ổ dịch và vùng lân cận dấu hiệu nhận biết về bệnh sởi, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng bệnh. Thiết lập khu vực cách ly, quản lý ca bệnh điều trị tại các cơ sở y tế và cộng đồng; phân loại bệnh (nhất là đối với bệnh nhân có diễn biến nặng)… không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Hiện đã có 10 bệnh nhân mắc sởi đã khỏi, 11 trường hợp đang được điều trị.

Theo Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong năm 2019 được nhận định tiếp tục diễn biến phức tạp, với dịch bệnh xâm nhập (MERS - CoV, Ebola, cúm gia cầm lây sang người cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết…); các dịch bệnh lưu hành (sởi, tay chân miệng, bệnh dại, cúm A…) thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chính vì vậy, để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Chủ động giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân đầu tiên, giám sát huyết thanh và các bệnh phẩm cho từng loại bệnh dịch để chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Chú ý giám sát tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao. Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và các đợt chiến dịch đạt hơn 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn; quản lý và triển khai tốt các hoạt động tiêm vắc xin dịch vụ để góp phần phòng chống dịch bệnh. Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella phòng chống dịch sởi cho trẻ em từ 1 - 10 tuổi vùng nguy cơ cao (các huyện: Mường Ảng, Ðiện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa và TP. Ðiện Biên Phủ)… Ðảm bảo 100% các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, giảm 5 - 10% số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành, ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.