Triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng

Người dân cần trách nhiệm hơn

Thứ Hai 8:21 18/03/2019

ĐBP - Do sức đề kháng còn yếu, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Chính vì thế, việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên thời gian qua, có tình trạng phụ huynh thiếu kiến thức, thông tin, hiểu biết về vắc xin nên không cho con em tiêm, tiêm không đầy đủ các mũi trong chương trình TCMR... Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai tiêm vắc xin của cơ quan chức năng; về lâu dài sẽ gây khó khăn trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Ðoàn Ngọc Hùng (ở giữa), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh kiểm tra quy trình tiêm vắc xin ComBe Five trong chương trình TCMR tại xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Toàn tỉnh hiện có gần 15.000 trẻ em thuộc đối tượng trong chương trình TCMR. Dù công tác TCMR được triển khai thường xuyên và đồng bộ ở 100% xã, phường, thị trấn song, ở một số địa phương, như: Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Mường Nhé… tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Ðiều đó khiến vài năm trở lại đây, chỉ tiêu về TCMR toàn tỉnh không đạt kế hoạch giao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, song chủ yếu là do địa bàn đi lại khó khăn, người dân chưa hiểu hết về lợi ích của tiêm chủng nên không hợp tác. Ngoài ra còn có nguyên nhân, do phụ huynh lo lắng về tính an toàn của vắc xin ComBe Five loại mới được Bộ Y tế đưa vào sử dụng thay thế vắc xin Quinvaxem (tỉnh Ðiện Biên bắt đầu sử dụng đầu năm 2019). Tuy nhiên, đa số người dân lo lắng về tính an toàn của vắc xin ComBe Five là do tiếp nhận từ các luồng thông tin không chính thống trên trang mạng xã hội; đồng thời chưa có tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm chứng lại thông tin từ cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế.

Bác sĩ Chuyên khoa II Ðoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho rằng: Ðối với loại vắc xin mới, người dân lo lắng là điều khó tránh; nhất là thực tế, sau tiêm vắc xin ComBe Five đã có trẻ sốt cao, tím tái... Tuy nhiên, kết quả điều tra của cơ quan chức năng đã chỉ rõ, các trường hợp có phản ứng bất thường do sử dụng ComBe Five không phải do vắc xin. Chính vì thế, phụ huynh có thể yên tâm về mức độ an toàn vắc xin ComBe Five trong chương trình TCMR. Bác sĩ Hùng, cho biết: Vắc xin ComBe Five do Ấn Ðộ sản xuất đã được ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2017 nhằm thay thế vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1 ngừa các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Hàn Quốc đã ngừng sản xuất từ năm 2017. Ðể đảm bảo tính an toàn, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm nhóm nhỏ tại 4 huyện: Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Qua theo dõi sau tiêm, trẻ có những phản ứng phụ, nhưng đây là những phản ứng an toàn. Với những kết quả đó, năm 2019, tỉnh Ðiện Biên đã triển khai và đưa vắc xin ComBe Five vào chương trình TCMR theo sự chỉ đạo của Trung ương. Trong quá trình triển khai, các cơ sở y tế cũng ghi nhận một số trường hợp phản ứng phụ sau khi tiêm, song đây là những phản ứng an toàn.

Theo bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng: Ngoài đưa trẻ đến tiêm vắc xin ở các đợt TCMR để phòng bệnh, phụ huynh cần hiểu đúng về các bệnh cũng như tác dụng phụ của mỗi loại vắc xin sau tiêm, nhằm tránh sự hoang mang và có biện pháp kịp thời xử lý với các tình huống. Ðặc biệt, từ 1 - 2 ngày sau khi tiêm, phụ huynh phải theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu như: ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Riêng với vắc xin ComBe Five, phải khẳng định, đây là sản phẩm an toàn, đã được triển khai thí điểm, theo dõi trong thời gian dài trước khi sử dụng trên phạm vi rộng. Vì vậy, vì quyền lợi, sức khỏe của con em mình; vì trách nhiệm làm cha mẹ; phụ huynh cần tìm hiểu thông tin ở các nguồn chính thống, cho con em đi tiêm phòng đầy đủ; không nên dễ dàng tin theo, chia sẻ những thông tin trôi nổi, không chính xác trên mạng xã hội.

“Ở Việt Nam, hàng năm chúng ta đã sử dụng vắc xin để phòng và kiểm soát bệnh. Rất nhiều trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm phòng vắc xin. Chính vì vậy, để ngăn ngừa và đẩy lùi các loại dịch bệnh, vì sức khỏe của trẻ, của gia đình, cộng đồng, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, phụ huynh hãy thực sự trách nhiệm, nâng cao ý thức, nhận thức để con trẻ được tiêm chủng đầy đủ và phòng bệnh một cách an toàn, hiệu quả nhất” - bác sĩ Ðoàn Ngọc Hùng nhấn mạnh.