Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

Thứ Hai 8:01 29/07/2019
ĐBP - Bước vào mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng mạnh và bùng phát thành dịch ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Tỉnh ta cũng ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết nhưng là mắc bệnh từ ngoài tỉnh về địa phương điều trị. Ðể ngăn chặn dịch xâm nhập vào nội tỉnh, công tác phòng, chống dịch đã và đang được đẩy mạnh, quan tâm thực hiện.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Muỗi vằn Aedes aegypti là véc tơ chính trung gian truyền bệnh trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua vết đốt. Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2 - 5 ngày, sau đó xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Sốt xuất huyết ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.

Ðiện Biên là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách trong và ngoài nước, trong đó có nhiều người đến từ các tỉnh hoặc trung chuyển qua các tỉnh đang “nóng” dịch sốt xuất huyết. Ðặc biệt tháng 7 này, bước vào “mùa sốt xuất huyết” cũng là thời điểm tỉnh ta đón nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đến thăm viếng, dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Ðây là những yếu tố tiềm ẩn gia tăng nguy cơ sốt xuất huyết từ vùng dịch xâm nhập vào địa bàn. Vì vậy, các hoạt động giám sát, phòng, chống dịch được đẩy mạnh triển khai. Các tuyến y tế tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý các vũng nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể tổ chức chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường tại khu dân cư; tích cực lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mức độ nguy hiểm và cách phòng, chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân; kiểm tra, đánh giá mật độ muỗi; luôn đảm bảo sinh phẩm chẩn đoán bệnh… Ðể tăng khả năng đối phó với dịch, từ đầu năm đến nay, 11 lớp tập huấn về giám sát, chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm... sốt xuất huyết cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch các cấp đã diễn ra với sự tham gia của gần 300 người. Trong tháng 8 tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Dịch tễ Trung ương tổ chức 1 lớp tập huấn phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho 25 cán bộ y tế.

Bà Vũ Thị Hương, Phó trưởng Trạm phụ trách Trạm Y tế xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể cùng vào cuộc tổ chức 8 buổi ra quân vệ sinh môi trường, làm sạch phố bản, diệt lăng quăng, bọ gậy với sự tham gia của đông đảo người dân. Trạm cũng thường xuyên tuyên truyền các tổ dân phố, bản khơi thông cống rãnh, xử lý các điểm nước đọng; nhắc nhở bà con ngủ màn, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt cho trẻ. Ðến nay, trên địa bàn không còn tình trạng người dân sử dụng các dụng cụ chứa nước thô sơ, lắng đọng có nguy cơ là nơi sinh sản cho muỗi; nhận thức về phòng, chống sốt xuất huyết cũng được nâng lên.

Nói về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Tuy chưa có trường hợp bệnh khởi phát tại địa bàn nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện dịch bởi tỉnh ta có véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) dù mật độ không cao. Vì vậy, không thể xem nhẹ công tác phòng, chống, giám sát”. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ Ðàm Thanh Tú khuyến cáo người dân cách phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi trú ngụ và sinh sản của muỗi để giảm mật độ muỗi bằng cách vệ sinh nhà ở, môi trường sống xung quanh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; đậy kín và thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng, bọ gậy... Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.