Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Thứ Hai 9:06 11/01/2021

ĐBP - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 114 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó: TP. Ðiện Biên Phủ có lượng bệnh nhân cao nhất (87 trường hợp), huyện Nậm Pồ (14 trường hợp), huyện Ðiện Biên (10 trường hợp)… Mặc dù, các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều được phát hiện và điều trị kịp thời, không có trường hợp trẻ bị tử vong hoặc biến chứng nặng, song trước mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan của bệnh, mỗi người dân cần trang bị kiến thức để chủ động phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thời điểm đông xuân, thời tiết chuyển mùa nên số mắc bệnh tay chân miệng rất cao. Nguyên nhân do vi khuẩn, virus luôn tồn tại trong môi trường và cơ thể chúng ta nhưng không gây bệnh. Khi đến thời điểm thích hợp như thay đổi thời tiết, từ nóng sang lạnh, độ ẩm thay đổi hoặc nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao; những vi khuẩn, virus tồn tại sẽ chuyển sang thể hoạt động, gây bệnh cho trẻ.

Chủng gây bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, nên hậu quả rất nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Ðường lây chính của bệnh là do trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm lây bệnh; hoặc do trẻ ăn phải thực phẩm chứa nguồn bệnh.

Chị Mầu Như Hoa, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) vừa đưa con trai 4 tuổi xuất viện sau hơn một tuần điều trị bệnh tay chân miệng. Chị Hoa cho biết: Thấy con bị sốt, nổi mụn nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân nên tôi đưa cháu đến Trung tâm Y tế thành phố khám. Sau khi bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tay chân miệng và cho nhập viện điều trị, đến nay sau một tuần cháu đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Theo bác sĩ Quàng Thị Vân, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ): Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi; thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Khi mới phát bệnh trẻ có dấu hiệu như cảm cúm thông thường: Mệt mỏi, đau họng, sốt nhẹ... Sau 2 ngày những triệu chứng này giảm đi, dấu hiệu của bệnh tay chân miệng mới bắt đầu xuất hiện. Trẻ sẽ có những nốt mụn nước trên da trong khoang miệng (lưỡi, má trong), lòng bàn tay và bàn chân. Mụn nước còn xuất hiện ở mông hoặc quanh hậu môn. Một thời gian sau, các mụn nước này vỡ ra gây loét rộng vết hở làm trẻ đau đớn, các bậc cha mẹ cần giữ vệ sinh vết thương hở này tránh để nhiễm trùng. Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Ðể đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: Sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc ngủ li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật… Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.

Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ và vệ sinh thực phẩm an toàn; rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, khi làm đồ ăn cho trẻ; làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa; tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng; không cho trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.