Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho đặc sản địa phương

14:14 - Thứ Năm, 08/04/2021 Lượt xem: 1714 In bài viết

ĐBP - Với mục đích bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng liên quan và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động về sở hữu trí tuệ; đồng thời thực hiện các giải pháp để hoạt động SHTT lan tỏa đến các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh.

Sản phẩm gạo mang CDĐL “Điện Biên”dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nhờ được bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương.

Là sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo của Công ty TNHH Safe Green mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “gạo Ðiện Biên” đã được nhiều người tiêu dùng trong nước quan tâm, sử dụng. Ngày 6/7/2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Điện Biên” cho Công ty TNHH thực phẩm Safe Green. Từ đó, công ty được sử dụng CDĐL “Điện Biên” đối với sản phẩm gạo sản xuất tại xã Thanh An (huyện Điện Biên) và tham gia mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chỉ dẫn địa lý gạo Điện Biên của dự án với quy mô 50ha.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Hiện nay, sản phẩm gạo của công ty mang CDĐL “Điện Biên” đưa ra thị trường đã nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng; giá bán của sản phẩm gạo mang CDĐL “Điện Biên” cũng tăng hơn trước. Để có được kết quả đó, công ty đã được Sở Khoa học và Công nghệ giúp đỡ, bổ sung kiến thức về hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản địa phương, như: CDĐL, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể… Cùng với đó là hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ để nộp đơn đăng ký CDĐL cho sản phẩm gạo của công ty. Từ khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm gạo của Công ty ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường và lòng tin với người tiêu dùng khi xây dựng được thương hiệu riêng...  

Để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cũng như đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản, Sở Khoa học và Công nghệ đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2020, Sở đã chủ trì, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức 2 hội nghị tập huấn: “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương”; “Quản lý và phát triển CDĐL cho sản phẩm gạo Điện Biên của tỉnh Điện Biên” cho các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo Điện Biên, các sản phẩm đặc sản của tỉnh Điện Biên, các sản phẩm OCOP... Sau khi tham gia tập huấn, ông Trần Văn Thắng, đội 7, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đã thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ông Thắng chia sẻ: Qua tập huấn, chúng tôi mới thấy hết được tầm quan trọng của việc sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương và càng thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ, quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm gạo của Điện Biên. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý và phát triển CDĐL “Điện Biên”, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác và phát triển giá trị thương mại CDĐL “Điện Biên”…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Hoạt động sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX ở địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị tài sản trí tuệ. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển sở hữu trí tuệ đến người dân và doanh nghiệp, Sở tích cực hướng dẫn, hỗ trợ HTX làm thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xây dựng nhãn hiệu nói riêng. Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên đã hướng dẫn 4 tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm, toàn tỉnh có 11 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ và 3 nhãn hiệu (nộp đơn từ trước năm 2020) đã được cấp văn bằng bảo hộ…

Tuy nhiên, hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, như: kinh phí dành cho hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế nên mới chỉ dừng lại ở việc tập huấn, tuyên truyền; số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp còn ít; nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đặc sản địa phương chưa được các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… Vì vậy, để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tư vấn trực tiếp cho các đơn vị có nhu cầu về bảo hộ, khai thác, quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Đăng tài liệu hướng dẫn bảo hộ sở hữu công nghiệp lên trang thông tin điện tử của Sở; đồng thời tuyên truyền về Ngày Sở hữu trí tuệ (26/4) thông qua tranh cổ động, tờ rơi, các sản phẩm truyền thông giới thiệu về vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ để xây dựng doanh nghiệp mạnh hơn, có sức cạnh tranh và ngày càng phát triển bền vững.   

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top