Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán trên cây ăn quả

09:19 - Thứ Ba, 07/12/2021 Lượt xem: 2888 In bài viết

ĐBP - Trong các phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, việc đốn tỉa cành, tạo tán không phải là phương pháp mới, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết hoặc chưa áp dụng phương pháp này khiến chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế chưa được như mong đợi. Trước thực tế đó, hiện nay một số đơn vị, HTX, hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán để vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái, vừa giúp chất lượng quả cao hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tùng Dương tiến hành vin cành, tạo tán trên cây bưởi.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Mười, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Tùng Dương - một doanh nghiệp trồng cây ăn quả có diện tích khá lớn trên địa bàn xã Ẳng Cang. Tham quan vườn bưởi sau khi đã áp dụng phương pháp vin cành, tạo tán cho cây, chúng tôi nhận thấy phương pháp này đã mang lại khá nhiều ưu điểm. Trao đổi về kỹ thuật này, ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ: Về trồng cây ăn quả, vấn đề cải tạo đất, đầu tư ban đầu rất khó khăn, thậm chí cả về kỹ thuật. Tuy nhiên, để đầu tư, phát triển lâu dài, chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo đúng quy trình và kỹ thuật để cây phát triển tốt, đem lại sản phẩm có chất lượng cao. Sau khi trồng cây được khoảng 3 năm, đơn vị đã áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cây ăn quả. Đối với diện tích bưởi, xoài, nếu đã trồng được khoảng 3 năm mà cây phát triển tốt, chúng tôi sẽ tiến hành vin cành, tạo tán cho cây bằng cách buộc dây kéo cành để hạ thấp độ cao và mở rộng tán. Dù mất công và tốn thời gian nhưng phương pháp này giúp điều tiết hình dạng, kích cỡ cây sao cho đạt hiệu suất quang hợp tối ưu, tăng số cành khả năng mang quả, giảm cành khô chết, cành sâu bệnh, dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác khác vào chăm sóc và thu hoạch quả. Ngoài ra, khi hạ độ cao của cây trồng, giúp tránh được gió bão, hạn chế quả bị rụng hoặc xước quả đối với xoài, đảm bảo mẫu mã sản phẩm…

Mường Ảng hiện có khoảng 380ha cây ăn quả các loại, trong đó có gần 150ha kinh doanh, còn lại là diện tích kiến thiết cơ bản. Những năm gần đây, việc quy hoạch, định hướng phát triển cây ăn quả đã được huyện Mường Ảng quan tâm thực hiện, cùng với đó là các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ khuyến khích phát triển cây ăn quả và ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân mạnh dạn đầu tư quy mô diện tích lớn, với các loại cây ăn quả đa dạng về chủng loại, thời vụ thu hoạch, đáp ứng một phần nhu cầu thị trường. Từ đó, người dân cũng chú trọng hơn đến khâu áp dụng kỹ thuật vào diện tích cây ăn quả, trong đó thực hiện nghiêm quy trình tỉa cành, tạo tán trên cây trồng. Anh Lù Văn Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Thực ra, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán trên cây ăn quả không mới và nằm trong bộ kỹ thuật về trồng cây ăn quả từ lâu rồi nhưng trên địa bàn huyện mới phát triển cây ăn quả nên khi người dân được tập huấn mới nắm được phương pháp này. Điển hình là từ năm 2018, khi triển khai dự án liên kết chuỗi trong trồng cây ăn quả, người dân được quan tâm, chú trọng phổ biến các kỹ thuật về: Trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh… Về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bà con được hướng dẫn áp dụng trên từng loại cây trồng, như: bưởi, nhãn…; còn loại cây có thân, cành giòn thì không thể vin cành mà chỉ tạo tán bằng cách cắt tỉa. Để vin cành, tạo tán, cây cần đạt độ tuổi nhất định, trồng đến năm thứ 3 mới có thể áp dụng được phương pháp này và mỗi loại cây có một thời điểm để vin cành, tạo tán khác nhau. Từ thực tế một số hộ đã áp dụng thì so với phương thức sản xuất truyền thống, phương thức đốn tỉa cành, tạo tán giúp dễ chăm sóc, dễ bao quả, thu hái, chất lượng quả tốt.

Ở tỉnh ta, phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán còn khá mới với người trồng cây ăn quả, chủ yếu mới áp dụng ở các doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả của huyện Mường Ảng, nhưng bước đầu thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực. Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) đánh giá: Tỉa cành, tạo tán là kỹ thuật bắt buộc để thực hiện trong trồng cây ăn quả. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã triển khai kỹ thuật này nhưng việc áp dụng chưa được thực hiện triệt để và không đảm bảo theo đúng quy trình. Thực tế hiện nay, việc áp dụng kỹ thuật này chỉ được sử dụng trong quá trình triển khai các mô hình còn thì hầu hết nhân dân không chú ý đến phương pháp này, dù đây là một kỹ thuật rất cơ bản. Việc áp dụng đúng quy trình, phương pháp này sẽ tạo ra được độ thông thoáng cho tán cây giúp cây trồng quang hợp tốt hơn, sâu bệnh sẽ ít và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, mẫu mã quả sẽ đẹp hơn. Không chỉ tạo ra sản phẩm tốt mà hơn nữa việc tỉa cành, tạo tán còn khống chế được chiều cao cho cây, rất thuận lợi cho việc thu hoạch, nhất là tiết kiệm thời gian, sức lao động. Để triển khai phương pháp này, người dân cần trồng với khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng từ 3 - 3,5m. Đồng thời chú ý đến mức độ sinh trưởng của cây, đặc biệt là sau khi thu hoạch quả cần cho cây phục hồi khoảng 2 tuần, sau đó mới đốn tỉa cành, tạo tán đảm bảo cho cây phát triển tốt.

Phương pháp tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả có nhiều lợi ích, nhất là về nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều HTX, hộ nông dân còn e ngại bị giảm năng suất trong năm đầu áp dụng phương pháp này. Cùng với việc do thời gian thu hoạch từ cây ăn quả lâu hơn so với các loại cây khác nên nhiều hộ chưa quan tâm tới đầu tư chăm sóc mà để cây phát triển tự nhiên khiến chất lượng quả không đồng đều, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế cây trồng. Nhưng hiện nay, thị trường có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà chỉ chú ý đến sản lượng thì nông sản rất khó tiêu thụ. Do vậy, thay vì áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, mỗi doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trồng cây ăn quả cần tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp vin cành, tạo tán để nâng cao chất lượng sản phẩm; qua đó giới thiệu, quảng bá rộng rãi thương hiệu cây ăn quả Điện Biên trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top