Kinh tếKhoa học - Công nghệ

Hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

05:11 - Thứ Sáu, 17/12/2021 Lượt xem: 2408 In bài viết

ĐBP - Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là giải pháp then chốt, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Từ đó nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả ngày càng được nhân rộng.

Người lao động Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh chăm sóc cây trồng.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, hàng năm ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất giống tiến hành khảo nghiệm 31 giống lúa, ngô; sản xuất thử 33 giống lúa, ngô, đậu tương, cà phê; thử nghiệm 29 giống lúa, ngô, khoai tây, bạc hà; bổ sung vào bộ cơ cấu giống của tỉnh 61 giống cây trồng các loại. Nhiều kỹ thuật mới đã được chuyển giao và nhân rộng đại trà mang lại hiệu quả: Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI trên diện tích 4.800ha/năm; quản lý dịch hại tổng hợp và xử lý lúa lẫn áp dụng máy cấy trên 220ha, cánh đồng 1 giống 40ha…

Vụ đông xuân 2020 - 2021, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được triển khai thực hiện như các mô hình: trình diễn áp dụng giống mới (giống ADI 168, Hanna 112) và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện Tủa Chùa với quy mô 39ha, năng suất đạt 78 - 80 tạ/ha; áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa tại huyện Điện Biên Đông quy mô 28,2ha, năng suất đạt 65 tạ/ha; sản xuất lúa nếp 86 triển khai tại huyện Điện Biên quy mô 70ha, năng suất 66 tạ/ha; khảo nghiệm giống lúa lai Phúc Ưu 1 tại huyện Điện Biên quy mô 10ha, năng suất 70 tạ/ha…

Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và xử lý lúa lẫn áp dụng máy cấy là một trong những mô hình điển hình, mang lại hiệu quả cao. Áp dụng mô hình này, người dân đã khắc phục những hạn chế, mang lại nhiều ưu điểm trong sản xuất như: Không sử dụng thuốc trừ cỏ, giảm lượng giống, dễ kiểm soát sinh vật gây hại, giảm từ 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm tỷ lệ lúa lẫn đến 90% so với gieo vãi truyền thống. Từ đó giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng gạo, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai, nhân rộng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 2 - 5 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Để đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tăng cường khảo nghiệm, thử nghiệm các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top