Chống Covid-19 nơi phên dậu - Bài 1: Chuyện kể ở Trung đoàn 123

10:17 - Thứ Sáu, 14/02/2020 Lượt xem: 3973 In bài viết

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đang hoành hành tại Trung Quốc và đã lây lan sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Các tỉnh biên giới, đặc biệt là ở phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên... có đường biên giới dài tiếp giáp với nhiều địa phương phía Trung Quốc nên nguy cơ Covid-19 xâm nhập và lây lan rất cao. Trong thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, nhiều tỉnh biên giới phía Bắc đã chủ động và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống sự xâm nhập, lây lan của Covid-19 với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”.

Bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hàng ngày cho những công dân từ Trung Quốc về, đang ở Trung đoàn 123.

Với đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 10 lối mở biên giới nên Lạng Sơn là một trong những tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm và lan truyền dịch Covid-19. Để phát hiện, phòng chống và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm này, tỉnh Lạng Sơn đã lập 3 khu vực cách ly đón công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Trong đó, khu cách ly tại Trung đoàn 123 đóng tại TP Lạng Sơn là nơi đang tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc nhiều nhất. Trong những ngày này, hình ảnh của những người lính bộ đội Cụ Hồ với đồng bào ở Trung đoàn 123 thực sự vô cùng xúc động.

Ở lại cả tháng cũng sẵn sàng

Trong căn phòng nhỏ dành cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123 nghỉ ngơi sau những giờ luyện tập căng thẳng trên thao trường, hơn một tuần nay đầy ắp tiếng cười nói, tiếng điện thoại reo liên hồi và cả tiếng trẻ nhỏ bi bô gọi cha mẹ, ông bà. Vừa dỗ dành cậu con trai mới 20 tháng tuổi ăn cháo, chị Vũ Lan Hương (30 tuổi, ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Hương kể: Em sang Trung Quốc lấy chồng ở Tứ Xuyên đã được 3 năm. Tết vừa rồi, 2 mẹ con về thăm nhà nhưng lại đúng vào lúc đợt dịch bệnh ở bên nước bạn bùng phát nên khi vừa về qua cửa khẩu Hữu Nghị hôm 4-2 thì mẹ con em đã phải đo thân nhiệt, rồi được đưa vào đây để theo dõi sức khỏe. Một hai hôm đầu, mẹ con em cũng rất lo lắng, hoang mang nhưng rồi được các cô chú nơi đây động viên, chia sẻ rất nhiều nên em yên tâm lắm. Con của em không chỉ được theo dõi sức khỏe hàng ngày mà còn được các chú bộ đội tặng đường, sữa. Thậm chí, những hôm vừa rồi rét quá, phòng em còn được trang bị cả quạt sưởi ấm vì trong phòng còn có 2 chị cũng có con nhỏ như em. 

Cách căn phòng của Hương và mấy chị bạn không xa là căn phòng riêng của chị Đoàn Thị Hằng (41 tuổi, ở Lam Sơn, Thanh Hóa) với con gái mới 16 tháng tuổi. Sau khi bác sĩ kiểm tra thân nhiệt cho cả 2 mẹ con với tình trạng sức khỏe ổn định, ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Hằng nghẹn ngào: Mấy tháng trước, em theo mấy chị bạn ở nhà sang Quảng Tây để làm dây điện. Ở bên đó, em vừa trông con vừa cơm nước để mọi người đi làm, nhiều hôm tới 11-12 giờ đêm vẫn chưa được ngủ.

Tết vừa rồi nhớ gia đình, nhớ chồng quá, em ôm con về nước và được đưa vào đây để theo dõi sức khỏe cả hai mẹ con. “Hơn một tuần ở trong này, em rất vui và cảm thấy như ở gia đình, vì mẹ con em được cán bộ, chiến sĩ chăm sóc rất ân cần, thậm chí nhiều hôm tối muộn, mẹ con em vẫn được mọi người đến tặng sữa, thăm hỏi, động viên, giúp em vơi đi nỗi lo lắng và nhớ nhà...”, chị Hằng chia sẻ. Trong khi đó, không vướng bận con nhỏ nhưng chị Lương Thanh Lịch (ở TP Lạng Sơn) sau khi vượt biên sang bên chợ Pò Chài (Trung Quốc) bán hàng đã bị cơ quan chức năng nước bạn giữ lại. Khi được đưa về nước, chị Lịch cảm thấy mình vô cùng may mắn vì được đưa vào Trung đoàn 123 để theo dõi chăm sóc sức khỏe, ngừa lây lan dịch bệnh. Tâm sự với chúng tôi, chị Lịch bộc bạch: “Bây giờ có ở đây cả tháng em cũng vui vẻ, mình phải vì sự an toàn của gia đình và mọi người chứ”. 

Sự nghẹn ngào của người lính

Vừa cùng một số anh em y tế đi kiểm tra sức khỏe của những người từ Trung Quốc trở về đang ở trong đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Công Hạnh, Chủ nhiệm Quân y của Trung đoàn 123, lại bận rộn với việc ghi chép số liệu theo dõi. Nghỉ tay, uống chén trà nóng với chúng tôi, Thiếu tá Hạnh chia sẻ, hơn một tuần nay, từ khi bà con vào đây, ngày nào cũng 2 lần, quân y của trung đoàn phối hợp với y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, phát thuốc để kịp thời phát hiện những trường hợp bất ổn về sức khỏe nhằm chuyển tới bệnh viện cách ly điều trị. Tuy nhiên, rất may mắn là cả tuần qua chỉ có 4 người bị sốt phải chuyển tới bệnh viện tỉnh và đã có 3 người ổn định, chỉ còn 1 người đang phải theo dõi. 

Với 25 năm gắn bó với ngành quân y, đây là lần đầu Thiếu tá Hạnh và anh em quân y của trung đoàn đón tiếp, chăm sóc sức khỏe cho nhiều người dân tới như vậy. Đó là hơn 400 con người với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sự ổn định, bình an của đất nước, các anh không lùi bước. Tất cả cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã rất nhiều ngày qua không về nhà, không gặp vợ con và người thân trong gia đình.

Với Thiếu tá Hạnh, gia đình anh ở phố Tô Thị (TP Lạng Sơn), cách đơn vị chưa đầy 2 cây số, nhưng suốt từ dịp Tết Nguyên đán 2020 tới nay, anh cũng chưa một lần ra khỏi cổng đơn vị. “Hôm vừa rồi, sinh nhật con gái thứ hai tròn 7 tuổi, nó gọi điện nói con không cần tặng quà gì, chỉ mong bố về dự sinh nhật con cùng với mẹ và chị...”, anh Hạnh nghẹn ngào. Anh chia sẻ thêm: Với những người từ Trung Quốc trở về, nếu như sau 14 ngày theo dõi ở đây, sức khỏe ổn định bình thường thì họ sẽ được về nhà. Thế nhưng, với anh em cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi vẫn phải cách ly tiếp 14 ngày nữa và nếu có thêm những đợt công dân mới vào thì thời gian ở lại đây sẽ có khi hàng tháng. “Chỉ mong sao tất cả công dân vào đây chấp hành nghiêm mọi quy định của đơn vị và khuyến cáo của ngành y tế, để dịch bệnh sớm kết thúc...”, Thiếu tá Hạnh nói.

Lúc này cũng đã gần trưa, tại nhà bếp của đơn vị, các chiến sĩ trẻ đang tất bật chia đồ ăn, cơm canh nóng hổi thành các suất để đưa tới tận tay những người đang được theo dõi tại đơn vị. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Năng (24 tuổi, quê Bắc Ninh) đang cùng với các đồng đội chuẩn bị suất ăn cho bà con, cho biết, để phục vụ 3 bữa cơm cho mọi người, Năng cùng các chiến sĩ dậy từ 3 giờ sáng để nhóm lò, 4 giờ sáng là nấu cơm, rồi chuẩn bị các đồ ăn để khoảng hơn 6 giờ là có đồ ăn sáng cho mọi người. Mọi người ăn sáng xong, lại thu dọn, rồi lao vào chuẩn bị bữa trưa và chiều tối. 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phùng Văn Phong, Chủ nhiệm Chính trị của Trung đoàn 123, cho biết, mọi người được đưa vào đây theo dõi sức khỏe đều được lo ăn ở miễn phí 3 bữa/ngày theo đúng tiêu chuẩn của bộ đội (57.000 đồng/người/ngày). Ngoài ra, tỉnh và đơn vị còn chỉ đạo lo cho các cháu nhỏ thêm các khẩu phần khác như đường, sữa, bánh kẹo, cháo để bảo đảm sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Cùng với đó, đơn vị cũng đã trang bị thêm 45 ti vi và đặt mua thêm báo để tại các phòng nghỉ để mọi người theo dõi tin tức hàng ngày. Ngoài việc bảo đảm an ninh, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và sức khỏe cho người dân đến cách ly, trung đoàn luôn yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ phải chủ động phòng tránh dịch bệnh cho chính mình, như thường xuyên sử dụng khẩu trang, găng tay, dụng cụ bảo hộ; khi tiếp xúc với người dân đều phải rửa tay, sát khuẩn để bảo đảm hiệu quả phòng dịch… 

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, phục vụ nhân dân là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nên dù trong hoàn cảnh dịch, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và cả sự bỡ ngỡ với công việc mới mẻ này, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ tại Trung đoàn 123 đều cảm thấy tự hào khi được giao phó cho một nhiệm vụ rất quan trọng là “chống giặc Covid-19”, Trung tá Phùng Văn Phong tâm sự.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top