Luật Biên phòng: ‘Kim chỉ nam’ cho các hoạt động ở khu vực biên giới

14:35 - Thứ Tư, 10/06/2020 Lượt xem: 4097 In bài viết

Luật Biên phòng Việt Nam sẽ là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất, là “kim chỉ nam” cho các hoạt động ở khu vực biên giới và khu vực biên phòng.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin với báo chí về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Chiều 9/6, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã thông tin với báo chí về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh cũng như thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới...

Trong quá trình soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Ban Soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành phố biên giới; khảo sát, tọa đàm tại 17 tỉnh, thành phố biên giới và được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.

Dự án Luật gồm 7 chương, 33 điều, bảo đảm tính logic, hợp lý; ngay thuật ngữ “biên phòng” như tên gọi của Luật cũng đã khẳng định rõ “biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.

Trong Dự án Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, Dự án Luật cũng luật hóa được các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; các nội dung cụ thể để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân.

Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng nội luật hóa các điều ước quốc tế về biên phòng trên các lĩnh vực phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của Luật Biên phòng khi đi vào cuộc sống, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP cho biết, Luật Biên phòng sẽ góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác quản lý bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, hợp tác quốc tế cũng như tập trung xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất, là “kim chỉ nam” cho các hoạt động ở khu vực biên giới và khu vực biên phòng.

Đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, Luật Biên phòng sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của dân cư khu vực biên giới. Đó là việc sắp xếp, quy hoạch khu vực dân cư, việc xây dựng và đầu tư các nguồn lực cho khu vực biên giới. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cũng như các địa phương ở biên giới có điều kiện, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây là ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Không chồng chéo nhiệm vụ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa hải quan và biên phòng tại địa bàn cửa khẩu hay không, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, trong Dự án Luật quy định BĐBP có quyền “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định pháp luật” là hoàn toàn phù hợp, xuất phát từ cơ sở pháp lý được quy định trong các nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật hiện hành như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị; Điều 49, Luật Xuất nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Điều 6, Pháp lệnh BĐBP...

Và trên thực tế, hiện nay, BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện tại 117 cửa khẩu, cảng biển. Trong thời gian gần đây, việc lợi dụng cơ chế kiểm soát hàng hóa thông thoáng ở cửa khẩu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại ở cửa khẩu diễn biến phức tạp, BĐBP đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Do vậy, việc kiểm tra hàng hóa do Hải quan chủ trì và BĐBP kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu như Dự án Luật quy định là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của Hải quan.

Có thể khẳng định, việc sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã trình bày trước Quốc hội: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra sự cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”.

Theo chương trình, dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 9 trong tuần tới.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top