Bộ đội Biên phòng Pa Thơm

“Ăn nương, ngủ lán” kiểm soát phòng dịch

09:37 - Chủ Nhật, 09/08/2020 Lượt xem: 4631 In bài viết

ĐBP - Đồn Biên phòng Pa Thơm quản lý đường biên giới dài 35km thuộc 2 xã Pa Thơm và Thanh Chăn (huyện Điện Biên), với 8 cột mốc, 6 cặp cọc dấu. Để kiểm soát chặt biên giới, phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19, hơn 5 tháng qua, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã “ăn nương, ngủ lán”, trải qua nhiều vất vả, gian khổ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm cùng dân quân địa bàn tuần tra, kiểm soát phòng dịch biên giới.

Chúng tôi có mặt tại chốt kiểm dịch biên giới Đồn Biên phòng Pa Thơm (khu vực Cảnh Khậy) vào gần giữa trưa. Dưới trời nắng gắt, các cán bộ, chiến sĩ ướt đẫm mồ hôi, có đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra vào khu vực, có chiến sĩ tận dụng khe nước từ đồi cao chảy xuống để rửa rau, nấu cơm. Ngoài trời, chiếc đèn năng lượng mặt trời đang tích nhiệt để thắp sáng vào đêm tối. Trong căn lán bạt nóng hầm hập nhưng dù đứng, ngồi ở đâu cũng bị muỗi rừng, ruồi vàng vo ve đậu vào tay, chân, mặt. Căn lán chỉ có 1 lối đi nhỏ ở giữa với 2 chiếc giường tự làm từ cành cây, khúc gỗ, trải vừa 5 chiếc chiếu đơn. Mặc dù khung sắt nhưng do địa hình không chôn được cọc mà chỉ gá trên nền đá nên “khi mưa to gió lớn, mỗi người ôm 1 chân cọc để lán không bị lốc, bay” - các cán bộ, chiến sĩ chia sẻ. Trung tá Nguyễn Tiến Lực, phụ trách chốt cho biết: “Chốt có 4 cán bộ, chiến sĩ biên phòng thường trực, có thêm các đồng chí dân quân phối hợp. Hàng ngày chúng tôi làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện từ ngoài địa bàn vào, trực 24/24 giờ; đo thân nhiệt, nhắc nhở đeo, phát khẩu trang (nếu có) cho người dân đi qua chốt. Đồng thời cắt cử nhau kiểm soát lưu động dọc tuyến gần 14km. Mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn nhưng các đồng chí đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngoài chốt tại khu vực Cảnh Khậy, Đồn Biên phòng Pa Thơm còn thành lập 1 trạm kiểm soát biên giới và 1 chốt lưu động tại biên giới xã Thanh Chăn (do không có nguồn nước nên không lập được chốt cố định). Mỗi chốt, trạm, ngoài cán bộ, chiến sĩ thường trực còn có sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng dân quân, công an, y tế, đông nhất là 15 người. Tại đây thực hiện công tác đấu tranh, chống xuất nhập cảnh trái phép; triển khai các biện pháp phòng dịch; phối hợp quốc tế, trao đổi thông tin với lực lượng phía nước bạn Lào; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tới đồng bào các dân tộc sinh sống khu vực biên giới; nắm tình hình ra vào địa bàn để kịp thời báo cáo và xử lý theo quy định, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra... Qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo vệ biên giới vừa phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thiếu tá Nguyễn Văn Ngô, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Thơm cho biết: Từ khi triển khai nhiệm vụ kiểm soát phòng dịch nơi biên giới, Đồn đã ngăn chặn, xử lý 6 công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép; tiếp nhận trao trả từ phía bạn Lào 3 công dân; xử lý vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh trái phép và đi lại không đúng quy định trong khu vực biên giới 9 vụ với 16 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước 12,9 triệu đồng.

Để hoàn thành được nhiệm vụ này, các cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn, vất vả. Đó là đường biên hiểm trở, di chuyển khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt; nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế, một bộ phận dễ bị tác động bởi những tin giả, mê tín; trong khi đó thông tin chính thống đến với người dân trên địa bàn chưa kịp thời; quân số đơn vị ít, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. “Mặc dù vậy, các cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực, cỗ gắng, gác lại việc cá nhân để hoàn thành trọng trách được giao. Đơn vị có 2 đồng chí hơn 1 năm rồi chưa bố trí, sắp xếp được thời gian về thăm gia đình. Có đồng chí mẹ ốm nặng, dù nhà cách đồn không xa nhưng nhận nhiệm vụ kiểm soát biên giới cũng không thể về báo hiếu. Có trung úy vợ sinh con sau 2 tháng mới có thể về ôm con, chăm vợ vài ngày. Có đại úy, nhà đã dột nát, mùa mưa đến rất lo lắng cho vợ con ở nhà nhưng suốt mấy tháng vẫn chưa thể về sửa sang. Và còn rất nhiều trường hợp gác lại công việc cá nhân để bảo vệ biên giới, ngăn chặn dịch bệnh” - Thiếu tá Nguyễn Văn Ngô chia sẻ thêm.

Từ khi lập chốt (ngày 20/2) đến giờ, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm đã quen với việc nhiều đêm không ngủ; nhiều tuần không có người thay phiên trở về đơn vị bởi quân số ít; nhiều tháng, thậm chí cả năm chưa được về thăm nhà. Mọi nỗ lực đều đặt trọn cho biên giới với mong muốn bảo vệ sự bình yên cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top