Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 khu vực biên giới

11:09 - Thứ Bảy, 05/09/2020 Lượt xem: 8512 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có hơn 455km đường biên giới tiếp giáp Lào và Trung Quốc nằm trên địa bàn 4 huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé; gồm 29 xã với 313 thôn bản (trong đó 11 thôn, bản giáp biên). Nhân dân khu vực 2 bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa; có nhiều trường hợp là công dân trên địa bàn khu vực biên giới sang lao động, làm thuê ở Trung Quốc và Lào nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi trở về địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành trong cả nước, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè hướng dẫn người dân khu vực biên giới sử dụng khẩu trang đúng cách. Ảnh: C.T.V

Những ngày này, người dân các thôn, bản biên giới trên địa bàn 2 xã Pa Thơm và Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh đem theo loa đài về khắp các bản vùng sâu, vùng xa tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với hình thức tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thì tiếng loa tuyên truyền của cán bộ chiến, sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm còn được phát bằng nhiều thứ tiếng với nội dung ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hành để giúp người dân làm theo. Bởi thế, chương trình tuyên truyền lưu động khá sinh động, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Chị Quàng Thị Lan, bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, cho biết: “Tôi thấy việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm tuyên truyền bằng hình thức lưu động này rất thiết thực. Sau khi nghe những thông tin tuyên truyền phát từ chiếc loa di động của BĐBP, thời gian gần đây, bản thân tôi cũng như bà con trong bản đã ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Người dân đã ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân và dọn dẹp vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Đặc biệt là người dân đã không còn tụ tập đông người như trước nữa”.

Trung tá Nguyễn Đình Lập, Đồn Biên phòng Pa Thơm, cho biết: Đồn được giao quản lý, bảo vệ 31km đường biên giới Việt - Lào thuộc xã Pa Thơm và xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Nơi Đồn đóng quân có nhiều dân tộc, như: Mông, Khơ Mú, Lào… cùng sinh sống, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Địa bàn quản lý rộng, nhiều tuyến đường đi lại khó khăn, do đó cùng với các hình thức tuyên truyền khác, đồn đã tập trung vào hình thức tuyên truyền lưu động. Với hình thức tuyên truyền này chúng tôi có thể đi đến được tất cả những nơi người dân sinh sống để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về dịch và việc phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ở những khu vực tập trung đông người, cán bộ sẽ chạy xe chậm và phát đi phát lại các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành”.

Khác với cách tuyên truyền của Đồn Biên phòng Pa Thơm, Đồn Biên phòng Nậm Kè được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,9km đường biên giới tiếp giáp với Lào nằm trên địa bàn xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Địa bàn Đồn quản lý chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên để tuyên truyền đến người dân những biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đồn đã lựa chọn cách tuyên truyền trực tiếp, như: Hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn các bước rửa tay bằng xà phòng, phát tờ rơi hướng dẫn phòng dịch bằng tiếng địa phương với nhiều hình ảnh trực quan sinh động để bà con dễ đọc, dễ hiểu và thực hiện theo. Ông Đao Văn Phanh, xã Nậm Kè chia sẻ: Tôi thấy những thông tin tuyên truyền của cán bộ biên phòng rất hữu ích. Trước đây tôi nghĩ cứ rửa tay với xà phòng là sạch, nhưng khi thấy cán bộ biên phòng làm mẫu tôi đã biết như thế nào là rửa tay đúng cách để phòng tránh được dịch bệnh. Ngoài ra, tôi còn được cán bộ hướng dẫn khi thấy có những triệu chứng bất thường, như: ho, sốt, khó thở thì nên báo ngay với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn”.

Được biết, để chủ động phòng chống dịch ngay từ biên giới, các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp với ban, ngành, đoàn thể địa phương, lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: treo pa nô, áp phích, hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động… Nội dung tuyên truyền tập trung vào cách phòng, chống dịch Covid- 19; nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng; hướng dẫn người dân cách cài đặt ứng dụng Bluezone đối với những người sử dụng điện thoại thông minh, vệ sinh cá nhân và nơi ở để phòng chống dịch bệnh; phổ biến các quy định về xử phạt khi không khai báo y tế, che giấu dịch, tung tin giả, trốn khỏi nơi cách ly… Khuyến cáo các gia đình có người đi làm ăn xa hoặc từ vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch về địa bàn phải thực hiện khai báo y tế, tự giác cách ly tại gia đình; khi có các biểu hiện ho, sốt phải báo ngay cho các cơ quan liên quan để được hướng dẫn. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia, phối hợp cùng BĐBP trong công tác quản lý xuất nhập cảnh; thực hiện nghiêm quy chế quản lý biên giới, không tiếp tay cho các hành vi vượt biên trái phép. Với cách làm đó, từ đầu tháng 8 đến nay, các đồn đã cấp phát 7.600 tờ rơi; tổ chức tuyên truyền tập trung 377 buổi cho 20.000 lượt người nghe; tuyên truyền cá biệt được 168 buổi với 1.440 lượt người; tuyên truyền lưu động bằng loa kéo tại các bản giáp biên được 81 buổi; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của địa phương được 288 buổi/161 giờ; hướng dẫn 7.300 người dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại di động... Qua tuyên truyền, vận động trên 13.000 hộ dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch… Nhờ triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, ý thức phòng dịch, chấp hành các quy định về biên giới của người dân ở khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top