Phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

09:13 - Thứ Sáu, 11/09/2020 Lượt xem: 6463 In bài viết

Cách đây 75 năm, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) ngày nay. 75 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động ngành CNQP đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tích cực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại diện lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thăm, kiểm tra sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z113.

Những ngày đầu thành lập, ngành Quân giới với hai nhiệm vụ chính, đó là: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí chuẩn bị cho đất nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, mặc dù ngành Quân giới với điểm xuất phát hầu như từ “con số không” (không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản như: cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, điện năng…; không có các loại vật tư nguyên liệu cốt yếu; không có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề); song, với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân, nhân viên Quân giới Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, chế tạo, sản xuất hàng triệu tấn vũ khí, đạn, trang bị các loại, trong đó có nhiều loại vũ khí kỹ thuật cao, cung cấp cho lực lượng vũ trang (LLVT) và toàn dân đánh giặc, lập nhiều chiến công vang dội, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, ngành Quân giới bước sang chặng đường phát triển mới - ngành CNQP, tập trung phát triển sản xuất quốc phòng và tham gia sản xuất xây dựng nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, Tổng cục CNQP đã hoàn thành xuất sắc vai trò, chức năng cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng tiềm lực quốc gia về CNQP; huy động sức mạnh, trí tuệ tập thể, đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quan hệ đối ngoại, nghiên cứu phát triển và sản xuất thành công nhiều VKTBKT đáp ứng cho các LLVT huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó, ngành CNQP đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhanh chóng chuyển đổi cơ chế quản lý; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ngành; chủ động xây dựng, tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng phê duyệt, quy hoạch và các kế hoạch, chương trình đề án, dự án xây dựng, phát triển CNQP phù hợp từng giai đoạn; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện. Do vậy, đã tạo bước phát triển mới, khá toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của ngành; tổ chức lực lượng CNQP được củng cố, kiện toàn, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa và có bước nhảy vọt. Trong đó, các dự án đầu tư phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng và đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả; nâng cao năng lực, trình độ và hiện đại hóa CNQP quốc gia, từng bước đáp ứng yêu cầu trang bị cho các LLVT huấn luyện, SSCĐ và đánh trả khi có chiến tranh công nghệ cao. Từ năm 2010 đến nay, Tổng cục CNQP đã huy động được sức mạnh, trí tuệ tập thể trong nghiên cứu khoa học - công nghệ, sáng kiến, sáng chế. Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã mở mới hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, phát huy hàng chục nghìn sáng kiến các cấp; chế tạo mới được nhiều dây chuyền, thiết bị sản xuất quốc phòng; phát triển hiện đại hóa được hơn 100 loại vũ khí, trang bị mới thay thế nhập khẩu, làm lợi và tiết kiệm ngân sách cho Đảng, Nhà nước và quân đội. Đến nay, ngành CNQP đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân, VKTBKT cho các quân, binh chủng; năng lực đóng mới và sửa chữa tàu quân sự có sự phát triển vượt bậc, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Trong đó, ngành đã đóng mới thành công tàu tên lửa, tàu pháo, tàu cứu hộ, tàu ngầm đa năng và các tàu chuyên dụng hiện đại, góp phần quan trọng hiện đại hóa nâng cao tiềm lực sức mạnh, khả năng tác chiến của Hải quân, Cảnh sát biển và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Với những thành tích xuất sắc nêu trên, ngành CNQP đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng; ba Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất; Danh hiệu Anh hùng LLVTND; có 32 lượt tập thể và 50 lượt cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường; các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”, nhằm chống phá cách mạng nước ta. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi ngày càng cao; việc bảo đảm VKTBKT cho các LLVT huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi khi chiến tranh xảy ra là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành CNQP. Do vậy, thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục CNQP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của ngành Quân giới Anh hùng, đổi mới tư duy và không ngừng tìm tòi học hỏi, lao động sáng tạo phát huy ý thức tự lực, tự cường, nắm bắt, vận dụng những xu thế phát triển khoa học, công nghệ của thế giới vào thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các đề án, quy hoạch, kế hoạch về xây dựng, phát triển CNQP; xây dựng và phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội về kết hợp quốc phòng và kinh tế, kinh tế với quốc phòng, phát triển công nghệ lưỡng dụng để phát triển sản phẩm kinh tế gắn với thị trường sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quốc phòng, kinh tế trong nước và nước ngoài. Đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

Bám sát thực tiễn huấn luyện và SSCĐ của các đơn vị trong toàn quân để nghiên cứu cải tiến, sản xuất VKTBKT đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống, phù hợp điều kiện đất nước, đặc điểm con người và cách đánh của quân đội ta. Tiếp tục đầu tư, từng bước đổi mới công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất được nhiều loại vũ khí tiên tiến hiện đại, góp phần nâng cao sức chiến đấu và khả năng SSCĐ của các LLVT nhân dân.

Coi trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ quân sự cho CNQP, đặc biệt là đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành về thiết kế, chế tạo vũ khí. Xây dựng tác phong công nghiệp, rèn luyện kỷ luật, nền nếp chính quy, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị; chủ động phòng, chống tham ô lãng phí. Đề cao cảnh giác cách mạng, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật quốc phòng, bí mật quốc gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Cùng với đó, Tổng cục CNQP tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân; tích cực thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội và chính sách xã hội.

Kế thừa, phát huy truyền thống, kết quả, kinh nghiệm, ngành CNQP tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng, phát triển CNQP tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng, TS TRẦN HỒNG MINH

Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top