Nhiệm vụ đặc biệt nơi biên giới Vị Xuyên

08:57 - Thứ Năm, 17/09/2020 Lượt xem: 7361 In bài viết

ĐBP - Tham gia nhiệm vụ rà phá bom, mìn (RPBM), vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước ta, thời gian qua, Ðại đội 17 (Bộ CHQS tỉnh Ðiện Biên) đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ kiên trì bám trụ thực hiện sứ mệnh cao cả trên địa bàn biên giới xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cán bộ, chiến sĩ Ðại đội 17 làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn tại Vị Xuyên (Hà Giang).

Chúng tôi có mặt trên điểm cao 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên vào ngày cuối tháng tám. Khi tia nắng cuối chiều đang dần tắt sau những dãy núi đá trập trùng cũng là lúc từng tổ công tác của Ðại đội 17 lần lượt trở về lán trại, kết thúc một ngày RPBM. Cả ngày bám thực địa cùng bộ đội căng thẳng và thấm mệt, nhưng Ðại tá Nguyễn Xuân Trinh, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Ðiện Biên vẫn tập hợp đại đội, nghe các tổ, đội báo cáo tình hình, đề xuất công việc của ngày tiếp theo.

Ðại tá Nguyễn Xuân Trinh cho biết: Hà Giang là tỉnh có diện tích đất bị ô nhiễm do bom, mìn, vật liệu nổ lớn trên địa bàn Quân khu 2. Trên mảnh đất này, biết bao hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Thực hiện Quyết định số 294/QÐ-BTL ngày 25/2/2020 của Tư lệnh Quân khu 2 về việc RPBM, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh đã điều động lực lượng tăng cường là những cán bộ, chiến sĩ có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng, nghiệp vụ chuyên môn giỏi để RPBM dọc tuyến biên giới. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, tính chất nguy hiểm, để kịp tiến độ, bảo đảm an toàn, đơn vị đã tổ chức lại biên chế của Ðại đội 17 thành 7 đội phụ trách RPBM trên khu vực biên giới.

Hơn 4 tháng có mặt tại địa bàn biên giới Vị Xuyên, thượng úy Mai Văn Vĩnh, Chính trị viên Ðại đội 17 đã quen với những vất vả khó khăn nơi này. Anh Vĩnh chia sẻ: Cả đơn vị ở nhờ nhà dân, xa trung tâm nên phải triển khai công tác hậu cần tại chỗ, chăn nuôi thêm gà, vịt, gieo, trồng rau xanh ngắn ngày để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi, chăm lo sức khỏe cho bộ đội. Khó nhất vẫn là nước sạch khan hiếm, cán bộ, chiến sĩ phải đi mấy cây số mới tìm được nguồn nước trên đỉnh núi, sau đó dùng đường ống dẫn về bể lọc, xử lý để dùng cho sinh hoạt.

Hà Giang là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, đồi núi hiểm trở, cũng là nơi được biết đến với sự tàn khốc của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên bom, mìn, vật liệu nổ sót lại rất lớn, việc tìm kiếm, tháo gỡ gặp nhiều khó khăn. Ðại úy Lèng Văn Sơn, Ðại đội trưởng Ðại đội 17, cho biết: “Khó khăn nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt, trên đồi núi nhiều muỗi, vắt. Có đội làm xa phải thực hiện thông ca, dựng lán ăn cơm, nghỉ tại thực địa. Nếu gặp mưa to, sấm sét thì dừng mọi hoạt động”.

Khó khăn gian khổ nhưng với tinh thần “đoàn kết, đúng tiến độ, an toàn”, đơn vị đã RPBM được hơn 34ha/80ha diện tích được giao; thu gom được 215 quả mìn các loại; hơn 100 quả đạn pháo, đạn cối... Nhiều chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như Giàng A Nhìa có ngày phát hiện được hơn 10 quả mìn. Hay chiến sĩ Lò Văn Phong, biết tin bà nội mất, dù đau buồn nhưng vẫn xác định tư tưởng, ở lại hoàn thành tốt nhiệm vụ... Không những thế, trong thời gian đóng quân, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 cho Nhân dân bản Nà La, xã Thanh Thủy; phối hợp đoàn thanh niên phát dọn đường làng ngõ xóm, tu sửa nhà cửa cho gia đình chính sách, gia đình neo người, qua đó tạo dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó với người dân sở tại.

Mìn, vật liệu nổ được phát hiện tại Vị Xuyên.

Sáng sớm, theo chân đội số 1, Ðại đội 17, chúng tôi hành quân lên núi Nậm Ngặt, khu vực sát biên giới. Vừa đi, Thiếu úy Phạm Hồng Sơn, Ðội trưởng vừa dặn dò phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, như: Người sau đi đúng vết chân người đi trước, khi đi đường nào khi về phải đúng đường đó, không được vội vàng... Trên ngọn núi cao thuộc mốc 33, cỏ cây um tùm, từng đợt gió rít ào ào, 5 chiến sĩ bắt đầu vào vị trí RPBM. Chiến sĩ Sùng A Của đi đầu làm nhiệm vụ dọn mặt bằng. Của dùng thuốn dò bước chân, sau đó dùng xẻng, dao cán dài xúc đất xử lý độ sâu an toàn từ 7 - 10cm. Một chiến sĩ khác theo sau, chân bước đúng vị trí an toàn, dùng máy dò bom, mìn, vật cản ở độ sâu 10-60cm. Mỗi lần máy dò phát tín hiệu, chiến sĩ số 2 liền cắm cờ đỏ báo hiệu...

Thiếu úy Phạm Hồng Sơn cho biết: “Theo nguyên tắc, khi dò thấy bom, mìn, các chiến sĩ phải báo cáo để cán bộ trực tiếp xử lý. Với những loại mìn thông thường thì xử lý khá gọn nhẹ, tháo gỡ ngòi nổ, đưa về nơi tập kết là xong. Nhưng nguy hiểm nhất là gặp phải 2 loại mìn bộ binh: 652A và 652B, tuy giống nhau nhưng nguyên lý nổ khác nhau. Nếu là mìn 652A thì xử lý tại chỗ, nhưng loại 652B có thể phát nổ ngay (phạm vi sát thương 2m), bởi vậy phải có phương án xử lý riêng. Cũng có những trường hợp chúng tôi gặp “mìn lạ” không có trong giáo án thì sẽ tiến hành xử lý nổ ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, dù là loại mìn nào thì điều cần nhất là chiến sĩ phải bình tĩnh, tự tin, vận dụng kiến thức đã được huấn luyện để xử lý”.

Ðại tá Nguyễn Thanh Nghị, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Ðiện Biên cho biết: “RPBM, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là trọng trách lớn, một nhiệm vụ đặc biệt thời bình đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trên tinh thần đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bám đất rà phá theo quy trình an toàn, đơn vị 17 đang nỗ lực hoàn thành kịp tiến độ, trả lại sự bình yên cho vùng đất biên giới. Ðây cũng là nghĩa cử cao đẹp của bộ đội thời bình trong việc giải quyết công tác hậu phương quân đội”.

Anh Phạm - Ðức Hạnh
Bình luận
Back To Top