Nhân rộng điển hình dân vận khéo trong quân đội, lan tỏa giá trị cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân”

10:17 - Thứ Năm, 17/09/2020 Lượt xem: 2266 In bài viết

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội giai đoạn 2016-2020 được triển khai đồng bộ, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) và các phong trào, các cuộc vận động của cả nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng và kinh nghiệm quý, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân”.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội giai đoạn 2016-2020 được triển khai đồng bộ, toàn diện, gắn kết chặt chẽ với Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) và các phong trào, các cuộc vận động của cả nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng và kinh nghiệm quý, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân”.

Quân đội ta ra đời và trưởng thành trong phong trào cách mạng của nhân dân, được Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân hết lòng đùm bọc, yêu thương, dù trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Ngay từ khi ra đời, Quân đội ta luôn khắc sâu lời Bác dạy, giữ vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, Người khẳng định nhân dân là cha mẹ của bộ đội, không có dân thì không có bộ đội.

Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận (CTDV) nói chung và chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương về thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo" nói riêng, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa thành Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, hướng dẫn triển khai thực hiện trong toàn quân với các nội dung, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực; gắn với thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, “Năm dân vận khéo”; ký kết các chương trình, nghị quyết liên tịch phối hợp thực hiện CTDV với Ban Dân vận Trung ương, các tổ chức chính trị-xã hội và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng bào tôn giáo, vùng biên giới, biển, đảo; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ngăn ngừa, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc phức tạp, điểm nóng trên địa bàn; tích cực đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và gian lận thương mại, khai thác tài nguyên trái phép, các hành vi vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia; phối hợp với các địa phương đưa cán bộ quân đội tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương và đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, UBND, HĐND cấp xã. Các đơn vị đã cử hơn 45.000 lượt cán bộ giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo, biên giới, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh (QPAN). Quan tâm tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đảng viên là con em đồng bào các DTTS và đồng bào các tôn giáo cho địa phương; phối hợp bồi dưỡng, giáo dục kiến thức QPAN cho các đối tượng học viên, học sinh, sinh viên, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 giúp nhân dân xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) gặt lúa. Ảnh: Hồng Khanh Luyến. 

Các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nhất là trên các địa bàn trọng điểm QPAN; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội, giúp nhân dân định canh, định cư, hỗ trợ giống, vốn sản xuất; khám, chữa bệnh, cấp thuốc, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, xây dựng các điểm sáng văn hóa vùng cao biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tích cực, chủ động trong tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và coi đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quân đội đã quán triệt nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chủ động tham mưu với Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh, diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường chốt chặn, kiểm soát đường mòn, lối mở và tổ chức nhiều khu vực cách ly tập trung; phối hợp với địa phương phong tỏa, cách ly, tiêu độc, khử trùng, dập dịch; thành lập các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch tại các đơn vị, lập các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị... qua đó được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các đơn vị đã vận dụng sáng tạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong hoạt động đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thắm tình đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước có chung đường biên giới, góp phần củng cố quan hệ hòa bình, hữu nghị trên các tuyến biên giới, biển đảo.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” được toàn quân triển khai đồng bộ, toàn diện gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Các cơ quan, đơn vị đã tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức CTDV, mở rộng phạm vi, đối tượng tiến hành CTDV. Tiếp tục triển khai thực hiện hình thức tổ, đội CTDV, hành quân dã ngoại làm CTDV, kết nghĩa... Đồng thời, duy trì và phát triển nhiều mô hình mới sáng tạo, hiệu quả về CTDV, như: Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân; Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển; gắn kết giữa các thôn làng, gắn kết giữa cặp hộ gia đình; tết quân dân; gắn kết yêu thương giữa lương và giáo; đơn vị dân quân tự vệ làm CTDV giỏi; mái ấm cho người nghèo biên giới, hải đảo; bò giống giúp người nghèo biên giới; nâng bước em đến trường; giọt máu nghĩa tình; bếp ăn từ thiện...

Thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về CTDV của quân đội; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội; đồng thời, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện chức năng “đội quân công tác” của quân đội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa gắn với đặc điểm nhiệm vụ đơn vị, địa phương, nhất là ở đơn vị cơ sở; hình thức hoạt động chưa phong phú, sáng tạo; công tác xây dựng, nhân rộng điển hình dân vận khéo có thời điểm còn hạn chế; sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng phong trào thi đua ở một số đơn vị thực hiện chưa kịp thời.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ diễn ra dưới nhiều hình thức; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày các phức tạp hơn. Trong nước, chính trị-xã hội ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, QPAN, đối ngoại được củng cố, tăng cường. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản nhưng chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các thế lực thù địch, phản động, phần tử cực đoan lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” của quân đội thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền, quán triệt, học tập  nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ về CTDV trong tình hình mới, về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trọng tâm là quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26-1-2015 của Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới CTDV của quân đội trong tình hình mới; Quy chế CTDV của quân đội; Quy chế công tác thi đua, khen thưởng ngành dân vận. Toàn quân gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, Phong trào TĐQT của quân đội, phong trào thi đua yêu nước của toàn quốc, của từng địa phương. Hướng trọng tâm công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ đối với CTDV trong tình hình mới; xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị trong quân đội vững mạnh toàn diện.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt và mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện phong trào thi đua ở cơ sở. Gắn kết quả lãnh đạo thực hiện CTDV của cơ quan, đơn vị với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ các cấp. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị trong phối hợp với địa phương khảo sát, đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” hiệu quả, bền vững, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố QPAN, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong toàn quân. Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nội dung của phong trào thi đua, các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, xác định chỉ tiêu thi đua phù hợp với thực tiễn, đặc điểm nhiệm vụ; nội dung, hình thức thi đua phải thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Chủ động, nhạy bén và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, QPAN; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, vùng đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; tích cực tham gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn... Phát huy tốt vai trò của tổ CTDV, đồng thời xây dựng và vận dụng các mô hình “Dân vận khéo”, tiến hành CTDV vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào DTTS, tôn giáo, địa bàn trọng điểm về QPAN.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết liên tịch phối hợp hoạt động giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với các tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trong tiến hành CTDV. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc cơ chế lãnh đạo, phối hợp hoạt động trong tiến hành CTDV. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch ký kết giữa cơ quan, đơn vị với các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng, bổ sung kế hoạch, phương án phối hợp xử trí tình huống; đặc biệt khi xảy ra tình hình phức tạp, không để lan rộng, kéo dài. Trong đó, cần tập trung phối hợp thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương. Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hoạt động của đội ngũ cán bộ, cơ quan dân vận các cấp; trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách là con em đồng bào DTTS, đồng bào các tôn giáo. Phấn đấu mỗi quân nhân là một chiến sĩ dân vận tốt, mỗi cơ quan, đơn vị là một điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn đóng quân.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong CTDV. Việc khen thưởng trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đảm bảo đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời. Thực hiện tốt quy trình hai chiều, cơ sở đề nghị khen thưởng và cấp trên chủ động đề xuất khen thưởng. Chú trọng khen thưởng đối với các đơn vị cơ sở, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng DTTS; gắn công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động dân vận với công tác chính sách, cán bộ. Kiên quyết đấu tranh phê phán, khắc phục những biểu hiện xem nhẹ CTDV và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đã trực tiếp góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ và quân đội, củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt quân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Tổng kết Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội giai đoạn 2016-2020 là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần đưa CTDV của Đảng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành phong trào, hành động cách mạng trong toàn quân và toàn xã hội, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và 90 năm Ngày truyền thống ngành Dân vận của Đảng (15-10).

Thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, từ năm 2016 đến nay, quân đội đã phối hợp với các địa phương củng cố hơn 12.500 chi bộ và tổ chức chính trị-xã hội; đào tạo nghề gần 22.000 người, tạo việc làm hơn 8.800 lao động; giúp địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới 867 xã, 126 huyện trên cả nước. Toàn quân sửa chữa, xây mới hơn 7.300 căn nhà, tặng gần 6.400 nhà đại đoàn kết; tặng hơn 24.600 con bò giống. Tham gia hơn 4 triệu ngày công làm mới, sửa chữa, nâng cấp gần 97.000km đường nông thôn, 86.809km kênh mương thủy lợi; tổ chức cứu hộ, cứu nạn hơn 7.500 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố; chữa cháy 38.000ha rừng, thảm thực vật... Tổng kết 10 năm Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020, Quân đội được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG,

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top