“Vọng gác” Nậm Nhừ

09:59 - Thứ Bảy, 17/10/2020 Lượt xem: 6257 In bài viết

ĐBP - Ðiểm cao nhất của dãy Nhóm Cháy (thuộc bản Nậm Nhừ 3, xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ) là nơi đóng quân của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ. Biên giới chiều Ðông, đứng từ nhà chỉ huy Ðồn, chúng tôi hướng tầm mắt xuống chân núi, chỉ thấy bao phủ một màu trắng của mây. Cũng chính vì đứng chân tại vị trí “cao hơn cả mây” nên Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ khiến nhiều người liên tưởng: Nơi đây giống như một “vọng gác lớn”, lừng lững giữa đỉnh trời... 

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ giúp người dân bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ) khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ðồn duy nhất...

Cách trung tâm xã Nậm Nhừ 10km, nằm chon von trên đỉnh núi, xa khu vực dân cư, trường học... Với đặc thù về vị trí đóng quân như vậy, Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ có nhiều sự khác biệt so với các đơn vị khác trong lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh. Cụ thể, Ðồn là doanh trại biên phòng duy nhất trên địa bàn tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, mạng di động thuộc diện “như hải đảo” khi hiện chỉ có mạng Viettel phủ sóng (mới được nhà mạng này đầu tư cột sóng năm 2019). Còn về nguồn nước sinh hoạt, Trung tá, Ðồn trưởng Ðặng Văn Hạnh dí dỏm chia sẻ: Nếu bạn đi công tác ở biển đảo rồi, thấy được sự hiếm hoi, quý giá của nước ngọt sinh hoạt trên tàu, trên đảo thế nào thì những ngày đầu, khi Ðồn mới chuyển về đây (năm 2016) cũng như vậy. Ngoài phục vụ nhu cầu thiết yếu cho bộ đội là nước nấu ăn, uống, còn lại như tắm thì anh em... “phân công” nhau! Tuy nhiên, ngay từ đầu, Ban Chỉ huy Ðồn đã nhận thấy, nếu tình trạng này kéo dài sẽ không đảm bảo cho sinh hoạt, sức khỏe bộ đội. Và muốn có nước thì phải có rừng, trong khi bao quanh Ðồn khi đó chủ yếu là nương của dân bản địa. Bộ đội ngoài “kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân...” thì cũng phải dựa vào dân mới thực hiện “quân với dân một ý chí” được. Từ cán bộ cấp ủy, chỉ huy đồn cho đến từng bộ phận, chiến sĩ các đội đều tăng cường công tác vận động quần chúng với nhiều hoạt động, phần việc cụ thể như giúp đỡ ngày công sửa nhà, thu hoạch nông sản... nhằm tăng cường mối đoàn kết, sẻ chia giữa đơn vị và người dân. Ðồng thời, đơn vị cũng quyên góp, vận động xã hội hóa nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ tìm mua nương khác, còn khoảnh nương phía sau Ðồn dành để phát triển rừng. Bà con sau khi thấu hiểu đã vui vẻ nhường nương cho bộ đội gây rừng, tạo nguồn nước. Vậy là “một công đôi việc”, hiện rừng đã lên tương đối xanh, mạch nước dẫn về Ðồn cơ bản đảm bảo cho bộ đội sinh hoạt và phục vụ tăng gia. Sắp tới, khi được UBND huyện Nậm Pồ công nhận là rừng tái sinh, được đề nghị đưa vào danh sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ðồn dự kiến sẽ bàn giao nguồn tiền này cho các hộ để nhân dân có thêm động lực bảo vệ, phát triển rừng và nhân rộng sinh kế, ổn định cuộc sống.

Có nguồn nước, để đảm bảo hơn nữa đời sống cán bộ, chiến sĩ, Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ xác định ngoài các nhiệm vụ đặc thù, thường xuyên của lực lượng biên phòng thì tăng gia sản xuất là nội dung quan trọng, cần nhanh chóng triển khai. Từ một đơn vị khó khăn về mọi mặt của điều kiện sinh hoạt, đời sống, đến nay, công tác hậu cần, tăng gia của đơn vị đã vươn lên nhóm đầu trong lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh với đàn gia súc 14 con bò, 3 con ngựa, 31 con lợn (3 lợn nái) và gần 300 con gia cầm (gà, ngan, vịt); đảm bảo nhu cầu rau xanh cho bộ đội với diện tích 22m2/người, ao cá 35m2/người...

Chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ tăng gia sản xuất.

Thực hiện đa nhiệm vụ

Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài 17km với 6 mốc quốc giới (từ mốc 41 đến mốc 46) tiếp giáp với nước bạn Lào; địa bàn phụ trách 2 xã: Nậm Nhừ, Nà Khoa của huyện Nậm Pồ. Trong năm qua, cùng với các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, trên địa bàn Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ quản lý đã phát sinh một số nhiệm vụ đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc đắc lực của đơn vị được ví như “vọng gác lớn” tại cùng đất Nà Khoa - Nậm Nhừ này. Ðiển hình là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với yêu cầu ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ biên giới, ngay từ trước tết Nguyên đán Canh Tý, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Nậm Nhừ đã nhanh chóng bố trí lực lượng, thành lập 5 chốt (4 chốt cố định trực 24/24; 1 chốt cơ động) tại biên giới với 15 cán bộ, chiến sĩ. Cho đến thời điểm này, các tổ chốt đã thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Ðồng thời, nhằm đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng phối hợp (dân quân, y tế, công an xã) không còn phải “ăn lán, ngủ rừng”, ổn định vị trí trực, đảm bảo sức khỏe, yên tâm công tác, Ban chỉ huy Ðồn đã đề xuất với cấp trên và chính quyền địa phương thực hiện kiên cố hóa các điểm chốt bằng việc “3 cứng” nhà chốt trực, tìm nguồn, dẫn nước sinh hoạt cho đội ngũ tuyến đầu chống “giặc Covid-19”.

Cùng với thực hiện “nhiệm vụ kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trung tuần tháng 8 vừa qua, cơn lũ dữ đổ về trung tâm xã Nậm Nhừ, “bẻ gãy” con đường trung tâm xã, khiến nhiều ngôi nhà, trường lớp học trên địa bàn bị thiệt hại, nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi, vùi lấp. Với vai trò của đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn, một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Nậm Nhừ lại xung phong lên tuyến đầu, giúp dân trong thiên tai. Với 19 chiến sĩ có mặt ngay tại hiện trường, sau nhiều giờ kiên cường đối phó với cơn lũ dữ, nhân dân, học sinh đã được cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng các lực lượng bảo vệ, di chuyển đến nơi an toàn, nhiều tài sản bị đất đá vùi lấp đã được tìm lại... Sau lũ, Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ vẫn duy trì tổ công tác với 5 chiến sĩ túc trực tại điểm thiên tai để giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Sự sẻ chia, căng mình trong mưa lũ, giá rét của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới Nậm Nhừ, giúp nhân dân phòng tránh dịch bệnh, khắc phục thiên tai, phát triển sản xuất... đã tô đậm thêm hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ, làm vững chắc hơn niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước, quân đội, để quân và dân cùng chung tay giữ yên biên giới.

Phạm Dương - Lò Dung
Bình luận
Back To Top