Vấn đề tuần này

Bộ đội dân vận khéo

08:24 - Thứ Năm, 16/09/2021 Lượt xem: 4858 In bài viết

ĐBP - Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã làm tốt công tác dân vận, xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh luôn coi trọng công tác dân vận với tinh thần “ở đâu có bộ đội ở đó có hoạt động dân vận”. Với hơn 450km đường biên giới trải dài 29 xã, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, phát hiện, tố giác kịp thời các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật được các đơn vị lực lượng vũ trang xác định là một trong những nhân tố quan trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Muốn xây dựng “thế trận lòng dân” thì phải hiểu dân, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống. Vì vậy, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, các đơn vị bộ đội đều xây dựng nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về công tác dân vận; thực hiện hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần chúng, tham gia củng cố cơ sở chính trị. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cảnh giác với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đứng chân trên địa bàn biên giới, các đồn biên phòng đều có đội vận động quần chúng, trực tiếp xuống địa bàn bám nắm tình hình, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế bằng mô hình cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Hỗ trợ nhân dân biên giới phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận “đỡ đầu” 4 xã Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) với hàng nghìn ngày công giúp dân lao động sản xuất, thực hiện mô hình cụ thể giúp người dân thoát nghèo. Cùng với đó là các mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”... được thực hiện hiệu quả đã củng cố niềm tin của nhân dân, bà con tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Với phương châm “ở đâu gian khó, hiểm nguy, ở đó có bộ đội sát cánh cùng nhân dân”, các đơn vị lực lượng vũ trang luôn là lực lượng tuyến đầu, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh và diễn biến phức tạp, các đơn vị lực lượng vũ trang đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch; trực tiếp chuẩn bị cơ sở vật chất, phục vụ tại các khu cách ly tập trung; kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở không để dịch bệnh xâm nhập trên toàn tuyến biên giới. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các tổ, chốt kiểm soát phòng dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động quần chúng khu vực biên giới phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp tuyên truyền cho trên 20.000 lượt người, cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm theo dõi sức khỏe.

Bám dân, bám sát địa bàn được xác định là phương châm hành động của các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”. Các đơn vị đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo công tác dân vận theo từng thời điểm phù hợp điều kiện thực tiễn địa bàn, gắn kết chặt chẽ với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chung sức cùng các địa phương phấn đấu đạt các tiêu chí nông thôn mới, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động hơn 6.000 lượt cán bộ chiến sĩ cùng 2.500 lượt dân quân tự vệ tham gia giúp mở mới, nâng cấp đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa trạm y tế, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân… Trực tiếp tham gia các phần việc cụ thể ở cơ sở, địa bàn không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ xây dựng mối quan hệ quân dân gắn bó mà còn là dịp để các chiến sĩ rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng chiến đấu, sát với thực tiễn.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang có những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương để xuyên tạc, vu khống, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Tình hình đó đòi hỏi các đơn vị lực lượng vũ trang toàn tỉnh phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”, lan tỏa giá trị, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”; khẳng định vai trò của “đội quân chiến đấu - đội quân công tác - đội quân lao động sản xuất”.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” vẫn luôn là phương châm hành động trong công tác dân vận của các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, quân đội với nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top