Những mô hình quản lý tư tưởng hiệu quả

14:49 - Thứ Sáu, 24/12/2021 Lượt xem: 4857 In bài viết

Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn đóng quân nhưng các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 vẫn bảo đảm an toàn, cán bộ, chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các mô hình quản lý tư tưởng bộ đội được thực hiện từ nhiều năm nay.

Cán bộ Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 434 luôn gần gũi chiến sĩ.

Cán bộ “4 cùng” với chiến sĩ

Sáng chủ nhật, từng nhóm chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 434 ngồi trò chuyện tại khu vui chơi của đơn vị. Cán bộ đại đội, trung đội cũng nhập cuộc, hòa đồng, trò chuyện vui vẻ. Dẫn chúng tôi tới vị trí nhóm chiến sĩ đang ngồi xung quanh một cán bộ đại đội, Đại úy Đàm Văn Lộc, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 giới thiệu: “Đơn vị vừa tham gia diễn tập bắn đạn thật. Những chiến sĩ này đều là pháo thủ của khẩu đội pháo lựu 105mm bắn đạn thật đạt giỏi. Bản lĩnh vững vàng lắm anh ạ!”.

Nghe vậy, một chiến sĩ đứng dậy: “Báo cáo thủ trưởng, có được thành tích đó, một nguyên nhân quan trọng là do chỉ huy đơn vị thường xuyên động viên, chia sẻ giúp chúng tôi vững tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) do Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ đạo triển khai trong toàn quân đoàn.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Trần Long, Chủ nhiệm Chính trị quân đoàn, “4 cùng” nhằm nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ. Thực hiện "4 cùng" giúp cán bộ thường xuyên quan tâm, bám sát đơn vị; nắm chắc tình hình tư tưởng, kỷ luật, đời sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện của bộ đội để quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới và xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Từ hiệu quả thiết thực của “4 cùng”, các đơn vị trong quân đoàn đẩy mạnh thực hiện, cụ thể hóa sát với đặc điểm nhiệm vụ, đối tượng quản lý, bảo đảm chủ động và nắm chắc diễn biến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Đại tá, TS Lê Khắc Huy, Chính ủy Sư đoàn 309 cho rằng: “Trong “4 cùng” thì “cùng chia sẻ” là một trong những biện pháp quan trọng để nắm và quản lý tốt tư tưởng bộ đội, tạo môi trường sống chan hòa, yêu thương, cán-binh gắn bó. “Cùng chia sẻ” đòi hỏi cán bộ phải gần gũi, hòa đồng, lắng nghe để thấu hiểu cấp dưới, từ đó kịp thời giúp đỡ, động viên khi cần thiết...”.

Đẩy mạnh “Một học, hai làm, ba yêu, bốn nói”

Ngày mới nhập ngũ, Binh nhì Nguyễn Thành Đạt, chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) quê ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) ít nói, lúc nào cũng đăm chiêu, lo lắng, ít tiếp xúc với đồng đội. Qua tìm hiểu, chỉ huy đơn vị biết hoàn cảnh gia đình Đạt khó khăn, mẹ và em bị bệnh, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào công việc làm thuê của bố. Thấu hiểu hoàn cảnh của Đạt, bằng tình yêu thương đồng chí, đồng đội, đơn vị đã tự nguyện đóng góp, cử cán bộ về tận nhà thăm hỏi và hỗ trợ gia đình Đạt một khoản tiền. Đáp lại sự quan tâm của đơn vị, Đạt đã yên tâm công tác, gần gũi hơn với đồng đội, tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện. Đại úy Nguyễn Văn Tre, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Đây là sự cụ thể hóa mô hình “Một học, hai làm, ba yêu, bốn nói” do sư đoàn triển khai thực hiện. Với cách làm này, đơn vị luôn nắm chắc tư tưởng bộ đội, xây dựng tình đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”.

Theo giải thích của cơ quan chính trị Sư đoàn 9, “một học” là học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “hai làm” là làm vì đơn vị, vì sự trưởng thành của cán bộ, chiến sĩ và bản thân; “ba yêu” là yêu đơn vị, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; “bốn nói” là nói không với bè phái cục bộ, mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật. Đại tá Võ Phước Vỹ, Chính ủy sư đoàn khẳng định: “Mô hình này vừa mang tính khái quát, vừa cụ thể hóa những việc cần làm của cán bộ, chiến sĩ để xây dựng đơn vị đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”. Gần đây, Sư đoàn 9 còn triển khai việc kẻ nổi bật khẩu hiệu “Tất cả vì chiến sĩ thân yêu” tại sở chỉ huy sư đoàn và tất cả các cơ quan, đơn vị nhằm tạo sự gắn kết, thân tình giữa cán bộ, chiến sĩ, đồng thời nhắc nhở cán bộ nói và làm, suy nghĩ và hành động phải luôn vì chiến sĩ.

Ngoài ra, nhiều đơn vị ở Quân đoàn 4 còn có những mô hình hay như ở Sư đoàn 7 có “Tiểu đội cùng tiến”; Lữ đoàn 71 có “Trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Tâm tình chiến sĩ”... Theo Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 4, quản lý tư tưởng bộ đội là nhiệm vụ đòi hỏi phải chủ động, liên tục, dự báo chính xác để có biện pháp linh hoạt, hiệu quả. Do vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân đoàn đề ra phương châm, định hướng mô hình, trên cơ sở đó các đơn vị vận dụng phù hợp với thực tiễn, sát đối tượng, nhiệm vụ và đề xuất triển khai thêm nhiều mô hình cụ thể để quản lý chặt chẽ tư tưởng bộ đội trong mọi tình huống, góp phần xây dựng đơn vị tiêu biểu, mẫu mực, vững mạnh toàn diện.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top