Hiệu quả đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần ở Binh chủng Đặc công

09:57 - Thứ Năm, 30/03/2023 Lượt xem: 6594 In bài viết

Từ năm 2019 đến nay, Binh chủng Đặc công đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Việt Khánh, Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Đặc công, chúng tôi được biết: Binh chủng tập trung phân cấp triệt để cho đơn vị tự tạo nguồn, bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, trên cơ sở tiêu chuẩn các đối tượng; tăng cường đấu thầu rộng rãi, ký thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung; quản lý chặt chẽ vật chất hậu cần sau phân cấp, hướng tới mục tiêu giữ vững và từng bước cải thiện đời sống bộ đội.

Tìm hiểu thực tế công tác triển khai việc đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Binh chủng Đặc công, chúng tôi nhận thấy, Cục Hậu cần Binh chủng Đặc công đã chỉ đạo cơ quan hậu cần các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần và các cơ quan chức năng trong việc lập, phân bổ, thẩm định dự toán ngân sách hậu cần; phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ các cấp, bảo đảm nguyên tắc cơ quan hậu cần cấp trên nắm chắc nhu cầu, dự toán ngân sách cấp dưới. Trên cơ sở chỉ tiêu ngân sách được giao, Cục Hậu cần phối hợp với cơ quan tài chính tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng phân cấp triệt để cho đơn vị tự tạo nguồn các mặt hàng thông dụng, phù hợp với quân số, chức năng, nhiệm vụ, khả năng và quy định quản lý tài chính hiện hành.

Chỉ huy Lữ đoàn 1 (Binh chủng Đặc công) kiểm tra công tác bảo quản vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, tháng 5-2022. Ảnh: NHẬT HUY

Đối với vật chất hậu cần dự trữ sẵn sàng chiến đấu, tăng dự trữ các mặt hàng quý hiếm phải nhập khẩu, giảm dự trữ các mặt hàng thông dụng trong nước sản xuất được và có sẵn trên thị trường. Các ngành nghiệp vụ hậu cần theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần lập kế hoạch phân bổ ngân sách ngành; tích cực theo dõi, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện mua sắm vật chất hậu cần theo kế hoạch và dự toán đã được phê duyệt; đôn đốc quá trình tạo nguồn, tiếp nhận, cấp phát vật chất hậu cần bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó, nắm chắc nhu cầu, tiêu chuẩn của các đối tượng được hưởng và số lượng, chất lượng hàng hóa tồn kho để lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm, khai thác, sử dụng hợp lý, giảm chi cho ngân sách.

Đại tá Nguyễn Việt Khánh cho biết thêm, do các đơn vị trực thuộc đóng quân phân tán trên địa bàn cả nước nên Binh chủng Đặc công thực hiện phân cấp tạo nguồn vật chất hậu cần phù hợp với khả năng từng cấp, có nguồn dự phòng hợp lý bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất. Đồng thời xác định thời hạn phân bổ và giao dự toán ngân sách hợp lý để các ngành nghiệp vụ cấp dưới có thời gian thực hiện phân cấp theo quy định. Để nâng cao hiệu quả tạo nguồn, Cục Hậu cần chỉ đạo các đơn vị nắm chắc diễn biến, quy luật thị trường, chủ động tạo nguồn ở thời điểm có lợi; thường xuyên củng cố kho tàng bảo quản; kiện toàn hệ thống sổ sách đăng ký, thống kê, thanh quyết toán theo đúng chế độ, nguyên tắc, bảo đảm sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí được giao.

Cụ thể, với các loại vật chất quân nhu, ngoài quân trang cấp trên bảo đảm 100% bằng hiện vật, Binh chủng Đặc công phân cấp cho cấp lữ đoàn, nhà trường và tương đương đảm nhiệm khai thác, bảo đảm tập trung các loại lương thực, thực phẩm, chất đốt trên cơ sở làm tốt công tác khảo sát, nắm chắc tình hình giá cả khu vực đóng quân, tổ chức ký hợp đồng với cơ sở cung cấp có nguồn gốc rõ ràng. Cấp liên đội và đội được giao trách nhiệm tự sản xuất, bảo đảm rau xanh, rau gia vị, muối, mắm... phục vụ bữa ăn bộ đội hằng ngày. Hiện nay, các đơn vị trong Binh chủng Đặc công tự túc được 90-95% nhu cầu rau xanh, 70% thịt lợn xô lọc, 75% rau gia vị, 85% thịt gia cầm, 40% trứng phục vụ bếp ăn...

Đối với vật chất doanh trại, Cục Hậu cần chỉ đạo Phòng Doanh trại chủ động lập kế hoạch phân bổ hạn mức và kinh phí cho các đơn vị cấp lữ đoàn, nhà trường, tổ chức ký hợp đồng mua sắm; các đơn vị phát huy nội lực trong tổ chức sửa chữa doanh cụ, dụng cụ, trang bị doanh trại hư hỏng, xuống cấp; bố trí, sắp xếp doanh cụ, dụng cụ thống nhất trong từng nhà, từng phòng. Việc mua sắm doanh cụ, dụng cụ, trang thiết bị bảo đảm cho những hạng mục công trình do Binh chủng làm chủ đầu tư được tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu và tiến hành ký hợp đồng mua sắm theo đúng thiết kế mẫu. Về xăng dầu, giao các đơn vị nhận trực tiếp tại kho chiến lược của Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) theo địa bàn đóng quân; số nhận bằng tiền được Binh chủng phân cấp mua đến từng lữ đoàn, nhà trường và tương đương.

Nhờ có chủ trương, biện pháp đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần theo cơ chế quản lý tài chính mới, ngành hậu cần Binh chủng Đặc công đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ. Theo chỉ huy Cục Hậu cần, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tạo nguồn vật chất hậu cần, Binh chủng sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian vừa qua.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top