Chính trịXây dựng Đảng

Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ

01:48 - Thứ Hai, 03/05/2021 Lượt xem: 3853 In bài viết

ĐBP - Từ thực tiễn 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã yêu cầu thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể:

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi Đảng tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Về công tác tư tưởng, Đảng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giữa xây dựng và bảo vệ Đảng; trong đó, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi sai trái. Chủ đề Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Điểm mới lần này là gắn “xây dựng” với “chỉnh đốn” giữa Đảng và hệ thống chính trị. Yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải hướng tới trong sạch vững mạnh. Bởi chỉ khi Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mới có khả năng dẫn dắt đất nước, dân tộc đạt được những mục tiêu đề ra.

Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta hết sức quan tâm, nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng đó là: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”: Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đó là, kiên quyết kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ “để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước và giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho cán bộ, đảng viên.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.   

Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”. Trong đó, chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc, thiểu số ở các cấp, nhất là ở cơ sở. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Chú trọng lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chủ nghĩa cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái, những biểu hiện “tự diễn biến”,  “tự chuyển hóa”.

Nguyễn Văn Thanh
Bình luận
Back To Top