Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nghị quyết trồng rừng ở Mường Nhé không đạt mục tiêu: Bài học từ thiếu bám sát thực tiễn

10:17 - Thứ Sáu, 01/10/2021 Lượt xem: 4505 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 21/12/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 05) được kỳ vọng là bước đột phá trong công tác phát triển rừng bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo cho người dân biên giới cực Tây Tổ quốc. Thế nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện (trồng cây keo), hầu hết mục tiêu Nghị quyết đề ra không đạt; chưa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; thậm chí còn dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Niềm tin và kỳ vọng về một sự “đổi đời” của người dân cũng lụi dần bên những gốc keo.

Bài 1: Viễn cảnh tươi sáng

Với mục tiêu đảm bảo thu nhập đạt bình quân từ 400 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trở lên, tương đương 80 triệu đồng/ha/năm trở lên, Nghị quyết 05 của Huyện ủy Mường Nhé đã vẽ lên một viễn cảnh tương lai tươi sáng, đổi thay mạnh mẽ về đời sống của người dân tham gia trồng keo.

Một góc rừng keo trên địa bàn xã Leng Su Sìn được trồng trong giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: P.V

Xây dựng mục tiêu lớn

Mường Nhé là huyện biên giới, nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước. Địa hình hiểm trở, dân cư đa phần là người dân tộc thiểu số di cư tự do đến; kinh tế chưa phát triển, chủ yếu canh tác trên nương; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu thốn, chưa đồng bộ; trình độ dân trí chưa đồng đều. Năm 2015 toàn huyện còn 74,02% hộ nghèo.

Mặc dù diện tích đất lâm nghiệp có rừng lớn (hơn 134.613ha, chiếm 85,5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện) nhưng rừng vẫn giảm hàng năm cả về diện tích, chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do dân di cư tự do vào Mường Nhé phá rừng để sản xuất lương thực, chặt gỗ làm nhà… Trong khi việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, phát triển rừng chưa được chú trọng, thiếu sâu sát; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ và phát triển rừng có nhiều bất cập.

Trước thực trạng trên, một trong những nội dung quan trọng được hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra vào trung tuần tháng 12/2015 tập trung bàn thảo, đó là lấy ý kiến để ban hành Nghị quyết về việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp, ổn định dân cư Mường Nhé. Đây là vấn đề được Huyện ủy Mường Nhé xác định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chính theo hướng đa mục tiêu, hiệu quả và bền vững.

Sau nhiều chuyến khảo sát và lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành, đơn vị… Nghị quyết 05 được ban hành, với những mục tiêu và kỳ vọng lớn. Đó là đến năm 2020 trồng mới 300ha rừng phòng hộ; từ 8.000 - 10.000ha rừng sản xuất (bình quân 2.000ha/năm); trồng 500ha cây phân tán; nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 46,1% (năm 2015) lên 51,5% trở lên vào năm 2020. Loài cây trồng rừng sản xuất chủ yếu là keo tai tượng. Đồng thời tạo vùng nguyên liệu gỗ tập trung đảm bảo cho việc mở nhà máy chế biến gỗ 30.000m3/năm; đảm bảo các hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất có thu nhập đạt bình quân từ 80 triệu đồng/ha/năm trở lên. Cùng với đó phối hợp, hoàn thành mục tiêu sắp xếp dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh thuộc các nội dung của Đề án 79 và một số bản có nhiều hộ dân sinh sống gần rừng mà chưa được sắp xếp ổn canh, ổn cư.

Lý giải cho việc trồng cây keo, ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé khi đó cho rằng: Chu kỳ sinh trưởng của cây keo ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 5 - 7 năm; trong thời gian này, người trồng keo được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ gạo suốt thời gian chăm sóc, bảo vệ. Khi người dân hết thời gian được hỗ trợ gạo thì rừng keo cũng đến kỳ khai thác, như vậy nhân dân được hưởng lợi và địa phương cũng có vùng nguyên liệu tập trung. Về đầu ra cho cây keo, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đa mục đích trên địa bàn, như: chế biến ván sàn, ván dăm, gỗ ép và phần ngọn dùng để chế biến phên gỗ. Như vậy, việc trồng rừng sẽ đạt được đa mục tiêu: Bảo vệ, phát triển rừng và xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.

Vận động người dân tham gia

Sau khi ban hành Nghị quyết, các ủy viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé được phân công phụ trách các xã để chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Huyện Mường Nhé đã huy động các cơ quan, đoàn thể, chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của việc bảo vệ và phát triển rừng. Củng cố, sắp xếp hoàn thiện hệ thống tổ chức lâm nghiệp, đặc biệt là thành lập các ban quản lý trồng rừng sản xuất cấp huyện và cấp xã để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện dự án trồng rừng sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và góp đất trồng rừng.

Huyện cũng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch trước đây là quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế là đất nương, nương luân canh sang trồng rừng sản xuất để tránh tình trạng quy hoạch rừng phòng hộ mà không có rừng. Cùng với giao kế hoạch trồng rừng cụ thể hàng năm cho các xã thì UBND xã có trách nhiệm xác lập quyền sử dụng đất và tài sản (cây trồng) trên đất cho người trồng rừng làm cơ sở giải quyết chế độ hỗ trợ gạo, tiền cho người dân theo quy định. Đồng thời xây dựng các vườn ươm cây giống, chuẩn bị cây giống tại địa bàn. Chú trọng thực hiện chính sách trợ cấp lương thực cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số… Để người dân tin tưởng tham gia, huyện xúc tiến quy hoạch, địa điểm, lên kế hoạch xây dựng dự án nhà máy liên hợp chế biến gỗ Mường Nhé khi việc trồng rừng đạt về khối lượng gỗ khai thác và đủ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan biên soạn, phát hành hơn 5.000 tờ rơi về các chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng. Phối hợp với chính quyền, ban chỉ đạo phát triển rừng cấp xã và các tổ chức đoàn thể tổ chức họp bản tuyên truyền, vận động nhân dân; rà soát diện tích đất trống thuộc quy hoạch để trồng rừng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về gạo, tiền công chăm sóc, bảo vệ... Đồng thời mỗi xã cử 1 lãnh đạo UBND làm trưởng ban, phụ trách việc phát triển rừng trên địa bàn, chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng.

Bài 2: Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều

Văn Tâm - Phạm Quang
Bình luận
Back To Top