Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Trồng rừng ở Si Pa Phìn: Khi Nghị quyết xa rời thực tiễn

11:12 - Thứ Ba, 12/10/2021 Lượt xem: 3457 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết là “kim chỉ nam” để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiện thực hóa mục tiêu. Nghị quyết càng đúng đắn, sát thực tiễn, thì triển khai càng thuận lợi, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, Nghị quyết “Về bảo vệ phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020” của Đảng bộ xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã không bám sát được thực tiễn. Kết quả là, sau 5 năm triển khai nhưng mục tiêu đạt thấp chưa từng có; ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân…  

Bài 1: Kết quả Nghị quyết thấp chưa từng có

Nhiều diện tích đất nương của người dân trên địa bàn xã Si Pa Phìn để hoang làm bãi chăn thả trâu, bò.

Mục tiêu thụt lùi

Chúng tôi trở lại Si Pa Phìn những ngày đầu tháng 9/2021, khi cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đang tích cực thi đua, triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống.

Trong nhiều mục tiêu nhiệm kỳ mới, Nghị quyết “Về đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển, khoanh nuôi tái sinh rừng, gắn với khai thác tiềm năng từ rừng trên địa bàn xã Si Pa Phìn giai đoạn 2021 - 2025” của Đảng bộ xã Si Pa Phìn làm chúng tôi chú ý. Nguyên nhân là, Nghị quyết này đề ra mục tiêu phấn đấu nâng độ che phủ rừng toàn xã đến năm 2025 lên 13% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nghị quyết “Về bảo vệ phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020” (nâng độ che phủ rừng toàn xã lên 19% năm 2020). Không lẽ nào, nghị quyết phấn đấu lại thụt lùi?!

Lý giải về điều này, ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn cho biết: Việc xây dựng Nghị quyết “Về đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển, khoanh nuôi tái sinh rừng, gắn với khai thác tiềm năng từ rừng trên địa bàn xã Si Pa Phìn giai đoạn 2021 - 2025” được Ban Chấp hành Đảng bộ xã bàn bạc, đánh giá và thảo luận kĩ lưỡng dựa trên những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước; điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó đưa ra các mục tiêu cụ thể: Bảo vệ 817,4ha rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung 775,59ha rừng, bảo vệ, chăm sóc 24,26ha rừng trồng, không để diện tích giảm đi; phấn đấu đến năm 2025 khoanh nuôi tái sinh 150ha rừng và trồng trên 10.000 cây phân tán các loại; phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 13% vào năm 2025… Sở dĩ có tình trạng mục tiêu độ che phủ rừng của nhiệm kỳ sau thấp hơn nhiệm kỳ trước vì Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa VI nhiệm kỳ 2015 - 2020, khi xây dựng Nghị quyết chưa căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương; xây dựng Nghị quyết theo kiểu “bốc thuốc”. Dẫn đến khi triển khai thực hiện Nghị quyết không đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Mục tiêu Nghị quyết “Về bảo vệ phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020” đề ra trong nhiệm kì phải tăng được 13,5% độ che phủ rừng (để nâng độ che phủ rừng toàn xã lên 19%). Mục tiêu đề ra là vậy, song thực tế sau 5 năm triển khai, kết quả mang lại khác xa so với Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ độ che phủ rừng thấp, đến cuối nhiệm kỳ chỉ đạt 5,51%, tăng 0,01% so với đầu nhiệm kỳ. Công tác trồng rừng thấp so với chỉ tiêu, kém hiệu quả, trong nhiệm kỳ trồng được 24,26ha rừng (đạt 49,2% mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Giá trị kinh tế từ rừng chưa cao ngày càng có ít người dân gắn bó với trồng rừng. Trong ảnh: Người dân bản Chiềng Nưa, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ chăm sóc diện tích rừng trồng (cây vối thuốc).

Người dân tự “cứu mình”

Nghị quyết trồng rừng của Si Pa Phìn đề ra mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và ổn định dân cư trên địa bàn xã giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng hiện nay, mức thu nhập từ rừng còn quá thấp khiến cho nhiều hộ dân không tha thiết với việc trồng và bảo vệ rừng. Ông Lò Văn Soạn, Trưởng bản Chiềng Nưa, xã Si Pa Phìn chia sẻ: Bản Chiềng Nưa hiện có 36,61ha rừng đang được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Trước kia chưa chia tách bản rừng thuộc cộng đồng 2 bản Chiềng Nưa (144 hộ), Tân Lập (137 hộ). Diện tích rừng thấp mà số hộ đông nên tiền chi trả DVMTR hàng năm rất thấp. Năm 2017 và 2018, mỗi lần nhận tiền chi trả DVMTR chỉ được 7.000 đồng/hộ; năm 2019 chia tách bản số tiền cao hơn (40.000 đồng/hộ). Năm 2020 bản khoanh nuôi tái sinh mới được 88,42ha, nên số tiền cao nhất được 70.000 đồng/hộ. Tiền chi trả DVMTR thấp nên việc tuyên truyền vận động người dân khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống khó khăn, ngày càng có nhiều người dân chấp nhận rời quê đi lao động ngoại tỉnh làm công nhân trong các khu công nghiệp, các công trình. Anh Lò Văn Anh, trưởng bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn cho biết: Bản Tân Phong có 141 hộ, 602 khẩu (trong đó 80 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo). Người dân trong bản chủ yếu sống bằng làm nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là các đồi cỏ tranh bạc màu chiếm đa số, cộng với thiếu nguồn nước nên việc sản xuất lúa ruộng rất hạn chế. Cả bản hiện có khoảng 50ha ruộng lúa, 5ha đất nương; diện tích đất bỏ hoang làm bãi chăn thả trâu, bò chiếm gần 1.000ha. Chỉ một số ít hộ gia đình có điều kiện và có vị trí thuận lợi để khai hoang ruộng nước. Hiện nay, người dân trong độ tuổi lao động ở bản chủ yếu đi làm ăn xa. Năm 2020, cả bản có trên 200 lao động đi làm tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội… Từ việc đi lao động ngoại tỉnh, nhiều hộ dân trong bản mua được xe máy, xây nhà mới, có nhà khang trang. Tiêu biểu như vợ chồng anh Điêu Chính Tiến, Vàng Thị Thoa…

Ông Mùa A Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra mục tiêu phấn đấu nâng độ che phủ rừng toàn xã lên 19% vào năm 2020 là bởi trong giai đoạn này trên địa bàn xã có Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Cổ phần Lâm Biên, kế hoạch trồng 1.000ha rừng sản xuất trên địa bàn xã. Mặc dù căn cứ vào Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Cổ phần Lâm Biên để xây dựng mục tiêu Nghị quyết, nhưng không đưa Dự án vào trong Nghị quyết để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến mục tiêu nghị quyết đề ra thất bại…

Bài 2: Xây dựng Nghị quyết theo kiểu “bốc thuốc”

Bài, ảnh: Anh nguyễn
Bình luận
Back To Top