Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Xây dựng, củng cố “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người (bài 2)

17:41 - Thứ Tư, 13/10/2021 Lượt xem: 5516 In bài viết

Bài 2: Khó nhưng phải thực chất

ĐBP - “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”... Thấm nhuần tư tưởng của Bác, các chi bộ Đảng trong dân tộc rất ít người (Cống, Si La) luôn xác định: “Dù khó tìm nguồn, nhưng phải đặt chất lượng lên hàng đầu, chi bộ phải tìm được người thực sự xứng đáng, đủ đức, đủ tài để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng”. Từ đó, góp phần tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển liên tục của Đảng.

Bài 1: Xóa “lõi nghèo” vùng dân tộc rất ít người

Chi bộ Nậm Kè tổ chức sinh hoạt chi bộ, tìm giải pháp tạo nguồn phát triển đảng viên.

Bài toán nan giải

Sau gần 1 giờ, độc hành xuyên qua những cánh rừng, tôi có mặt tại xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên). Rót chén trà nóng hổi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm Lò Văn Liên giãi bày: “Hàng năm, có hàng chục quần chúng ưu tú là người Cống được phát hiện từ các phong trào có thể giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng không đảm bảo điều kiện vì họ sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều quần chúng ưu tú có trình độ học vấn từ lớp 5 trở lên đảm bảo được tiêu chuẩn nhưng cũng đành bỏ “lỡ” cơ hội vào Đảng vì không thẩm tra được lý lịch, có cha mẹ nghiện ma túy... Thêm nữa, người muốn vào Đảng tối thiểu phải biết đọc, biết viết, nhưng thực tế trong đồng bào người Cống vẫn còn người không biết đọc, biết viết hoặc khả năng đọc, viết kém”.

Từ trung tâm xã, chỉ mất chừng 20 phút, con đường êm thuận đưa chúng tôi về bản Púng Bon (100% đồng bào Cống). Nằm lọt thỏm dưới chân núi, Púng Bon vỏn vẹn 54 nóc nhà, 229 nhân khẩu. Khoảng hơn chục năm về trước, bà con người Cống dường như sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Púng Bon được biết đến là điểm “nóng” về ma túy. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều năm Púng Pon là bản “trắng” chi bộ.

Đón chúng tôi, Phó Bí thư Chi bộ Lò Văn Hiệp bảo: “Mình vừa ở ngoài ruộng về. Tranh thủ thời tiết nắng ráo nên bà con ra đồng thu lúa”. Trong bản, bây giờ đa phần là người già, học sinh cuối cấp, chứ thanh niên đi làm ăn xa hết rồi!. Phó Bí thư Hiệp trải lòng: “Ở bản này, giờ đối tượng nghiện đã giảm nhiều rồi, bà con yên tâm lao động sản xuất, nghèo đói cũng vì thế mà lùi dần vào quá khứ. Tuy vậy, nhiều người trẻ, nhân tố tích cực để giới thiệu cho Đảng thì thường đi làm ăn ở các tỉnh dưới xuôi. Số còn lại ở nhà thường trình độ, năng lực hạn chế, ý chí phấn đấu không cao, ngại tham gia các phong trào, khó bồi dưỡng, phát triển Đảng”.

Đến xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), sau cái bắt tay cởi mở, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Nọi bắt đầu câu chuyện: Không riêng gì dân tộc rất ít người (dân tộc Cống) mà ở các chi bộ vùng cao khác, công tác tìm hạt nhân kế cận cho Đảng gặp rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để “măng mọc” trước khi “tre già”? Làm thế nào để nhân lên những “hạt giống đỏ” người Cống, đủ đức, đủ tài để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng luôn là “bài toán khó” đối với cấp ủy, tổ chức đảng. Cũng theo Bí thư Nọi: Việc phát triển tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên không hề dễ dàng khi mà điều kiện kinh tế của người Cống còn nhiều khó khăn. Chúng tôi không thể giữ chân người trẻ ở lại gắn bó với ruộng nương, thu nhập bấp bênh, nghèo đói mãi được!.

Chú trọng về chất lượng

Tìm đến nhà Bí thư chi bộ bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), khác với suy nghĩ của tôi, anh Hù Văn Hà còn rất trẻ (sinh năm 1988). Anh Hà khẳng định: “Chúng tôi chỉ giới thiệu những quần chúng thực sự xứng đáng, có ý chí phấn đấu, rèn luyện nghiêm túc, không thể giới thiệu cho đủ để lấy thành tích mà không quan tâm đến chất lượng đảng viên”. Chi bộ có tổng số 35 đảng viên (31 đảng viên người Cống) thì có 25 đảng viên trình độ học vấn từ 9/12 trở lên; 90% là đảng viên trẻ, tuổi đời dưới 40; đảng viên mới kết nạp đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về trình độ chuyên môn, học vấn và các điều kiện khác theo quy định. Đặc biệt, thời gian tới chi bộ đã lập danh sách những quần chúng có trình độ học vấn, gương mẫu, ý thức chấp hành tốt, tích cực tham các phong trào, bản lĩnh chính trị vững vàng cho Đảng xem xét kết nạp: Hù Văn Tinh (bộ đội xuất ngũ); Hù Thị Huệ (12/12); Hù Thị Thủy (12/12), Hù Thị Lợi (12/12)...

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Kè Hù Văn Thơi chia sẻ: Khi được chi bộ giới thiệu lên, Thường trực Đảng ủy kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng những quần chúng ưu tú trong dân tộc rất ít người. Đồng thời, Đảng ủy phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành xuống tận chi bộ để nắm bắt về tư tưởng đạo đức, lối sống quần chúng ưu tú được giới thiệu. Sau khi kiểm tra kỹ và đối chiếu với các quy định của Đảng về tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục kết nạp thì Đảng ủy mới xem xét để kết nạp. Bởi thế đã tránh được tình trạng: “Phải kết nạp bằng được đảng viên để không ảnh hưởng tới thành tích chung mà kết nạp những quần chúng ưu tú không thực sự gương mẫu, không thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ học vấn”.

Có thể thấy rằng, việc tạo nguồn phát triển đảng viên trong dân tộc rất ít người vấp phải nhiều khó khăn, bất cập. Ông Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải khẳng định: “Vẫn biết là khó nhưng phải thực chất. Vì vậy, với phương châm “Đẩy mạnh phát triển Đảng đi đôi với chất lượng của người đảng viên”, Ðảng bộ xã đã và đang tập trung lãnh, chỉ đạo chi bộ bản Nậm Sin nắm vững quy trình, thủ tục, siết chặt các bước triển khai từ khâu giới thiệu tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên, thực hiện đúng quy trình. Việc lựa chọn những quần chúng ưu tú phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, động cơ, mục đích lý tưởng vào Đảng đúng đắn, trong sáng, rõ ràng, phải có chất lượng và hiệu quả công việc được đánh giá tốt để giới thiệu cho Đảng. Không vì lực lượng đảng viên mỏng, chưa đạt chỉ tiêu mà châm chước về tiêu chuẩn”. Hiện chi bộ Nậm Sin đã phát triển được 13 đảng viên, đa phần là đảng viên trẻ.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặt chất lượng đảng viên lên hàng đầu, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc rất ít người sẽ tạo ra “cú hích” mạnh mẽ để họ vươn mình phát triển toàn diện, hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong, các chi bộ đảng, đảng viên dân tộc rất ít người đã để lại “dấu ấn” đậm nét trên dải biên cương cực Tây Tổ quốc.

Bài 3: Dấu ấn trên dải biên cương

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top