Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Trồng rừng ở Si Pa Phìn: Khi Nghị quyết xa rời thực tiễn (bài 3)

10:10 - Thứ Năm, 14/10/2021 Lượt xem: 4825 In bài viết

Bài 3: Để Nghị quyết thực sự “sống”

ĐBP - Để Nghị quyết thực sự “sống”, điều kiện tiên quyết là nó phải được bắt nguồn từ thực tiễn, xây dựng một cách đúng đắn, khoa học. Bởi Nghị quyết là sự tổng kết giữa lý luận và thực tiễn, sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Nghị quyết cũng nhất định phải đi vào thực tế cuộc sống mới có thể làm trọn được sứ mệnh của mình.

Bài 1: Kết quả Nghị quyết thấp chưa từng có

Bài 2: Xây dựng Nghị quyết theo kiểu “bốc thuốc”

Người dân mong muốn có đầu ra ổn định cho việc trồng rừng sản xuất trên địa bàn. Trong ảnh: Tác giả trao đổi cùng anh Thào A Dế, Trưởng bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

Đề cao vai trò của cấp ủy

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ: “Trong Nghị quyết của Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng đều không đưa (nhắc tới) dự án trồng rừng nguyên liệu gỗ của Công ty Cổ phần Lâm Biên, vì thời điểm trước đó qua đánh giá dự án này đã không mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn”.

Bảo vệ và phát triển rừng là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước từ nhiều năm qua. Đưa các chương trình dự án lớn được triển khai trên địa bàn vào Nghị quyết, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương là việc cần làm. Bởi khi các dự án triển khai có được sự giám sát, phản biện của cấp ủy chính quyền địa phương hiệu quả chắc chắn được nâng lên. Sẽ không xảy ra tình trạng Dự án trồng rừng sản xuất cả trăm tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt nhưng khi triển khai trên địa bàn người dân không biết về chủ trương của dự án; không được biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia trồng rừng. Cũng sẽ không xảy ra tình trạng đất ở, đất nương của người dân thuộc vào quy hoạch đất trồng rừng của Công ty Cổ phần Lâm Biên, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân.

Lý giải về vấn đề này, theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, trong Báo cáo Chính trị và Nghị quyết của Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng đều không đưa (nhắc tới) dự án trồng rừng nguyên liệu gỗ của Công ty Cổ phần Lâm Biên, vì thời điểm trước đó qua đánh giá Dự án đã không mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn.

Được biết tại Văn bản số 2969/UBND-KTN, ngày 7/10/2020, về thực hiện Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ tại xã Si Pa Phìn và xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà (nay là huyện Nậm Pồ); UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Cổ phần Lâm Biên được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Về phía huyện đồng ý với chủ trương của UBND tỉnh, để Công ty Cổ phần Lâm Biên tiếp tục triển khai thực hiện Dự án trồng rừng nguyên liệu gỗ trên địa bàn. Bởi nếu dự án được triển khai thành công, không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn huyện, mà còn tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, Công ty cần phải lập lại dự án, xây dựng kế hoạch trồng rừng cụ thể cho từng năm, theo từng giai đoạn. Trồng cây gì phù hợp với điều kiện địa phương và mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Đồng thời, thực hiện cam kết bao tiêu đầu ra của sản phẩm cho người dân.

Sự đồng thuận từ nhân dân

Để người dân gắn bó với nông nghiệp, với trồng rừng, cấp ủy chính quyền xã Si Pa Phìn và huyện Nậm Pồ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của huyện, tỉnh. Nhất là những chính sách về phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng trang trại, khuyến khích tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật.

Thực tế trên địa bàn tỉnh đã có những dự án phát triển chăn nuôi, hay trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Nhưng điều đó chỉ phù hợp với những diện tích đã thành rừng nhiều năm và có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây dược liệu. Hay chương trình hỗ trợ gạo, tiền công chăm sóc cho người dân trong giai đoạn đầu chăm sóc rừng… nhưng hiệu quả thật sự của các dự án chưa cao. Bởi lẽ, trồng rừng là việc làm lâu dài, nên “bài toán” đặt ra cho các cấp chính quyền muốn người dân trồng rừng, gắn bó với rừng phải chọn giống cây phù hợp với điều kiện địa phương, cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng thí điểm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân trong quá trình trồng rừng, theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Xây dựng được mô hình theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân. Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm; mang lại thu nhập thường xuyên đảm bảo cuộc sống cho người dân từ việc trồng rừng. Có như thế mới khiến người dân gắn bó lâu dài với việc trồng rừng sản xuất.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top