Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Xây dựng, củng cố “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người (bài 3)

10:31 - Thứ Năm, 14/10/2021 Lượt xem: 5398 In bài viết

Bài 3: Dấu ấn trên dải biên cương

ĐBP - Từ những bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, sau nhiều năm nỗ lực đến nay đồng bào dân tộc rất ít người (Cống, Si La) đã xây dựng được riêng chi bộ Đảng. Việc này đánh dấu mốc, khẳng định sự phát triển toàn diện, hòa nhập của dân tộc rất ít người. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, đảng viên, người Cống, Si La đã mạnh mẽ vươn mình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; “là tai, là mắt” của bộ đội biên phòng trong bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài 1: Xóa “lõi nghèo” vùng dân tộc rất ít người

Bài 2: Khó nhưng phải thực chất

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè tuyên truyền vận động người Cống, bản Nậm Kè bảo vệ đường biên, cột mốc.

Điểm sáng giữa đại ngàn

Sau gần 7 tiếng đồng hồ, vượt hơn 200km đường rừng núi ngoằn ngoèo, gập cua tay áo trên chiếc xe khách ì ạch, tôi cũng chạm ngõ huyện biên giới Mường Nhé. Lấy lại sức sau một đêm nghỉ ngơi tại trung tâm huyện, tờ mờ sáng tôi tiếp tục chặng hành trình về bản Nậm Sin (100% dân tộc Si La), xã Chung Chải.

Phó Bí thư Chi bộ Lỳ Nhù Hừ chia sẻ: “Những năm trước, cả bản chỉ có 3 đảng viên và thường phải lặn lội gần 4km vượt suối, băng rừng để đi sang bản Nậm Khum sinh hoạt ghép. Những hôm trời mưa lấm lem bùn đất, nhiều khi phải bỏ cả sinh hoạt vì đường trơn trượt, hiểm trở. Lúc đó, chỉ mong ước thành lập được chi bộ của riêng bản mình!”.

Thế rồi, mong ước đó trở thành hiện thực, khi năm 2015 chi bộ Nậm Sin được chia tách, thành lập. Từ 3 đảng viên ban đầu, nhiều năm qua Nậm Sin luôn là “điểm sáng” trong công tác xây dựng Đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên; tới nay chi bộ đã có 13 đảng viên, trên 80% là đảng viên trẻ, có trình độ học vấn từ 9/12 trở lên, luôn gương mẫu, tích cực tham gia hiến kế, hiến công xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Không riêng gì Nậm Sin, công tác xóa bản “trắng” đảng viên, bản chưa thành lập chi bộ ở các bản đồng bào dân tộc rất ít người cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng mừng. Để có được kết quả đó, Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện đã chủ trương đưa cán bộ, đảng viên là người địa phương, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào về cơ sở làm “nòng cốt”, trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đi sâu, đi sát cơ sở, bám bản, bám dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ... để tìm “hạt nhân” kế cận giới thiệu cho Đảng. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên; bồi đắp thêm lý tưởng cách mạng, xác định động cơ đúng đắn trên cơ sở giác ngộ lý tưởng, tự giác phấn đấu, rèn luyện cho quần chúng ưu tú là người dân tộc rất ít người.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, lấy dân làm gốc, “pháo đài” của Đảng trong đồng bào dân tộc rất ít người đã hình thành và ngày càng được củng cố vững chắc. Đội ngũ đảng viên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện các bản đồng bào dân tộc rất ít người đã thành lập được chi bộ; tiêu biểu như: Chi bộ Nậm Kè có 35 đảng viên; chi bộ Púng Bon 8 đảng viên; chi bộ Lả Chà 17 đảng viên... Có thể khẳng định, dù “bén rễ” khá muộn nhưng các chi bộ đã và đang phát huy tính tiên phong và trở thành cầu nối “ý Đảng - lòng Dân”.

Như “cánh chim đầu đàn”

Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, những năm qua, đội ngũ đảng viên dân tộc rất ít người luôn phát huy vai trò tiên phong, xung kích, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, đối với người Cống, Si La, họ luôn coi đảng viên  như “cánh chim đầu đàn” - nơi họ gửi gắm tâm tư và khát vọng đổi thay.

Đến bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), hỏi thăm đảng viên trẻ Hù Thị Châm, sinh năm 1990 (đảng viên nữ trẻ tuổi nhất của dân tộc Cống), người dân ai cũng tự hào bảo, vì chăm chỉ làm ăn, tích cực chăn nuôi, sản xuất nên gia đình chị Châm “chưa bao giờ được vào hộ nghèo”. Quả không sai, ngôi nhà sàn khang trang, rộng lớn sừng sững ở cuối bản, với đầy đủ tiện nghi, nông cụ sản xuất... là minh chứng rõ nét nhất.

Chị Hù Thị Châm bảo: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm! Là đảng viên mình phải gương mẫu để bà con noi theo”. Dù “chân yếu tay mềm” nhưng chị Châm đã tích cực khai hoang ruộng nước, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá. Để mô hình VAC phát triển, chị Châm tìm đọc thêm sách về kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Đất không phụ lòng người, sau nhiều năm nỗ lực, chị Châm đã có trong tay hơn 2ha ruộng nước, 8 con trâu, 10 con lợn, hàng trăm con gia cầm các loại đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Không chỉ là nông dân “triệu phú”, chị Châm còn được chị em tín nhiệm bầu là chi hội trưởng phụ nữ bản. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, chị Châm đã luôn đồng hành, sát cánh, “truyền lửa” để chị em hăng hái lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Với bà con người Cống, đảng viên Nạ Văn Súc, bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) như “cây đại thụ”; với chi bộ ông như “ngọn đuốc sống”, bởi hễ chuyện lớn, chuyện nhỏ của bản hay đưa ra những quyết sách quan trọng, ông là nơi để chi bộ lại tìm về. Ở tuổi ngoài 60, trải qua nhiều cương vị công tác: Phó ban Công an xã, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã... ông Súc luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phát huy tính tiên phong của người đảng viên “đi trước về sau”. Ông Súc bộc bạch: “Với niềm tin sắt son theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, tôi đã tích cực vận động bà con hăng hái lao động sản xuất, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa...”. Trở về bên gia đình sau gần 30 năm công tác, ông Súc vẫn miệt mài trên mặt trận phát triển kinh tế, trồng lúa nước kết hợp mô hình VAC (thu nhập trên 150 triệu đồng/năm). Noi gương ông, trong bản cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, với thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm còn 20/54 hộ.

“Là tai, là mắt” của bộ đội biên phòng

Dân tộc rất ít người (Cống, Si La) chủ yếu sinh sống ở các bản biên giới giáp Lào. Vì thế, phát huy vai trò xung kích, đảng viên và nhân dân luôn “là tai, là mắt” của bộ đội biên phòng, tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc... Anh Lò Văn Hạch (dân tộc Cống), Thôn đội trưởng bản Nậm Kè bộc bạch: “Những hôm trời mưa, đêm tối khiến đường trơn trượt chúng tôi phải đi bằng tay, bấu víu vào cây, gặp đoạn cứ lên dốc thẳng đứng, vừa lên đỉnh núi xong lại phải bò xuống thác rồi lại leo lên, gian nan, vất vả lắm!”. Vất vả là thế, nhưng mỗi lần đi tuần tra, nghiêm trang chào cột mốc, tôi cảm thấy rất tự hào vì là người Việt Nam. Cột mốc là của đất nước, của nhân dân. Mình là cư dân trên biên giới thì càng phải tích cực bảo vệ. Có bảo vệ được cột mốc biên giới thì mới bảo vệ được đất đai, tài sản và tính mạng của nhân dân.

Không chỉ kề vai, sát cánh cùng bộ đội biên phòng, mà các đảng viên dân tộc rất ít người còn vận động nhân dân phát quang tầm nhìn đường biên, cột mốc; giữ gìn hệ thống dấu hiệu của đường biên giới, các công trình quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Anh Lò Văn Hiệp, Phó Bí thư Chi bộ bản Púng Bon nói: “Tôi thường xuyên nhắc nhở bà con nêu cao trách nhiệm trong việc trông coi, không buộc gia súc vào cột mốc, không vượt biên trái phép hay có những hành vi trái pháp luật; nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

“Vốn là những người sinh ra và lớn lên ở biên giới, người Cống thuộc lòng từng đường đi, lối mòn và nắm rõ người lạ, người quen trong khu vực... Vì vậy, phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của bộ đội biên phòng, khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, xâm phạm tài nguyên môi trường, xuất nhập cảnh trái phép... người dân đều kịp thời báo với cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng để xử lý” - Thượng úy Nguyễn Tiến Anh, Đội trưởng Đội tăng cường (Đồn Biên phòng Nậm Kè), Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè chia sẻ.

Dẫu vẫn còn khó khăn, nhưng “dấu ấn” của các tổ chức đảng, đảng viên người dân tộc rất ít người đã hằn in trên mỗi nếp nhà, con đường, mô hình kinh tế... Điều đó càng khẳng định thêm vai trò, trách nhiệm của mỗi chi bộ, đảng viên, là cầu nối “ý Đảng - lòng Dân” là chỗ dựa vững chắc giúp nhân dân yên tâm bám trụ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 4: Cần chiến lược toàn diện và bài bản

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top