Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Tạo sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân (bài 2)

10:04 - Thứ Sáu, 15/10/2021 Lượt xem: 7280 In bài viết

Bài 2: Chọn cán bộ “dân vận”

ĐBP - Thực tiễn hiện nay có thể thấy, hầu như toàn bộ các công trình, dự án triển khai tại các địa phương, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh đều gặp khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường… khi thực hiện GPMB. Nhận thức của một bộ phận người dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án trong thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, chọn cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động GPMBlà một trong những khâu “then chốt” giúp nhân dân “thông” chính sách, đồng thuận với chủ trương của địa phương.

Bài 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt

Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ kiểm tra tiến độ điểm TĐC số 1 Dự án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Ông Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phân tích: Nguyên nhân cơ bản khiến các dự án chậm tiến độ là do vướng GPMB. Một bộ phận người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng vì cho rằng đơn giá đền bù thấp, người thì so bì chính sách giữa các dự án, thậm chí không ít người đòi hỏi lợi ích ngoài quy định pháp luật. Vì vậy nếu chỉ tập trung vào các biện pháp hành chính và tính toán chuyên môn (kiểm kê, áp giá, chưa coi trọng đúng mức công tác vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nên không tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, nhất là những hộ dân liên quan trực tiếp đến dự án. Trong khi đó tại một số địa phương dù đã phân công, giao nhiệm vụ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, tuyên truyền triển khai dự án nhưng lại không nắm chắc trình tự, thủ tục nên khi tuyên truyền, vận động lại không giải thích hoặc giải đáp rõ ràng kiến nghị của người dân. Có dự án triển khai thời gian dài, cán bộ, công chức thực hiện dự án thường xuyên thay đổi cho nên xảy ra tình trạng giải đáp, trả lời kiến nghị không thống nhất, nảy sinh tư tưởng hoài nghi, thắc mắc trong nhân dân… Do đó mấu chốt cần giải quyết đó là chọn cán bộ có khả năng, năng lực để tuyên truyền, vận động bên cạnh việc ban hành hướng dẫn các nội dung về công tác dân vận trong GPMB khi triển khai thực hiện các công trình, dự án sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Ông Mừng chia sẻ, chỉ khi cán bộ dân vận am tường chính sách mới có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích sâu sắc, tỉ mỉ, chu đáo cho dân hiểu để bà con tự nguyện chấp hành. Càng phải chọn cán bộ có trình độ, có khả năng vận động, thuyết phục để trong quá trình tuyên truyền, vận động nếu trường hợp phát hiện do áp dụng chưa đúng quy chế, chính sách thì mới có thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quyền, lợi ích cho nhân dân. Nếu các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong GPMB thì chính những cán bộ dân vận, người làm công tác tuyên truyền càng phải tăng cường vận động, thuyết phục người dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án hiểu rõ và chấp hành.

Nhân dân tổ dân phố 6, phường Thanh Trường tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Hiểu được vai trò, tầm quan trọng của cán bộ làm dân vận, những người được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể TP. Điện Biên Phủ, các phường chọn tham gia các tổ tuyên truyền, vận động, giải thích chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và TĐC thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn đều là những cán bộ, công chức có năng lực, tâm huyết; có đạo đức trong sáng; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, không áp đặt. Những cán bộ này dễ làm việc, tiếp xúc với nhân dân và mới thẳng thắn trao đổi, giải đáp công khai các kiến nghị, thắc mắc của nhân dân liên quan đến chính sách đền bù, áp giá. Điều này cũng đã góp phần “xóa” định kiến của người dân về việc không ít cán bộ, lãnh đạo vận dụng chính sách có lợi cho mình, người thân của mình; không công tâm, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách; nhất là một số cán bộ, công chức có đất, có nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Hạ tầng kỹ thuật khung là dự án còn nhiều tồn tại, vướng mắc kéo dài, nhiều hộ có đất bị thu hồi trên địa bàn phường Him Lam chưa đồng ý đo đạc, kiểm đếm. Nỗ lực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng những diện tích còn lại trong thời gian sớm nhất, các tổ tuyên truyền được giao nhiệm vụ đã chia theo từng nhóm để trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền chính sách, động viên các gia đình bàn giao mặt bằng. Tổ số 1 tuyên truyền, vận động, giải thích chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Thành ủy Điện Biên Phủ do bà Chử Thị Thủy, Phó Bí thư Thường trực là tổ trưởng chia làm 4 nhóm. Mỗi nhóm phụ trách số hộ cụ thể, phân loại nguyên nhân dẫn tới việc chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng (chưa đồng ý đo đạc, kiểm đếm; đã kiểm đếm nhưng chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng…) để nghiên cứu văn bản chế độ, chính sách giải đáp rõ ràng cho nhân dân.

Người dân phường Thanh Trường ký biên bản bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân khi đất đai của gia đình ở mặt đường hoặc thổ cư muốn Nhà nước áp giá đền bù cao, những cán bộ dân vận, người được cơ quan, tổ chức chọn làm công tác tuyên truyền, vận động đã lắng nghe, chia sẻ và phân tích để người dân hiểu, “hy sinh” quyền lợi riêng vì lợi ích chung. Là thành viên tham gia tổ tuyên truyền chính sách Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung của Thành ủy, chị Kháng Mai Thu, Bí thư Thành đoàn Điện Biên Phủ cùng các thành viên trực tiếp tới từng gia đình các hộ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng để vận động, thuyết phục. Chị Thu cho biết, khi gặp được các hộ còn băn khoăn về chế độ, chính sách chúng tôi luôn lắng nghe rồi giải đáp theo quy định của pháp luật; hộ có kiến nghị về chế độ, chính sách (đơn giá, đề nghị cấp đất TĐC…) chúng tôi ghi chép lại cụ thể từng nội dung vào sổ và ngay trong ngày tổng hợp kiến nghị của người dân với tổ để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Không chỉ trực tiếp tham gia tuyên truyền chính sách, chị Thu cùng Ban Thường vụ Thành đoàn đã họp bàn, chỉ đạo đoàn cơ sở tại các địa bàn thực hiện dự án thống kê các gia đình có đoàn viên thanh niên để trực tiếp gặp gỡ, động viên đoàn viên và người thân ủng hộ dự án, bàn giao mặt bằng. Đồng thời nắm bắt tình hình các gia đình có đất thu hồi cần hỗ trợ nhân lực vận chuyển tài sản, dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án để kịp thời phân công đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, giúp đỡ…

Với phương châm “thường xuyên - liên tục - kiên trì” của cán bộ làm công tác dân vận nên đa số người dân đã hiểu, đồng thuận, không suy tính thiệt hơn sẵn sàng chấp hành và ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước. Ông Trần Văn Đạt, tổ dân phố 11, phường Him Lam cho biết: Sau rất nhiều buổi cán bộ thành phố, cán bộ phường đến làm công tác “dân vận”, tuyên truyền, vận động gia đình bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án Đường 60m; song do hiện trạng đất, gia đình chia tách thổ cho các con, cháu. Rất nhiều năm qua dự án chậm tiến độ, con cháu ngày càng lớn, trưởng thành ra ở riêng nên gia đình đề nghị TP. Điện Biên Phủ là ngoài suất đất TĐC được cấp theo quy định thì tạo điều kiện để gia đình được mua 1 suất đất có thu tiền không thông qua đấu giá để con cái ổn cư lập nghiệp. Khi chính sách hài hòa, cán bộ thực thi nhiệm vụ trách nhiệm giải thích thấu đáo, cặn kẽ, trung tuần tháng 8 vừa qua gia đình ông Đạt đã đồng thuận bàn giao mặt bằng và đồng thời các con, cháu ông Đạt có diện tích đất thu hồi liền kề cũng đồng thuận giao mặt bằng cho dự án.

Bài 3: Công khai, minh bạch chính sách

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top