Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Diễn đàn Chủ nhật

Gắn kết tuổi trẻ kiều bào với quê hương, cội nguồn

15:06 - Chủ Nhật, 17/07/2016 Lượt xem: 2214 In bài viết

Ở bất kỳ cộng đồng nào, người trẻ cũng là một lực lượng đông đảo, quan trọng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của xã hội. Những năm gần đây, được sự quan tâm, cổ vũ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, thế hệ kiều bào trẻ đã tích cực tham gia xây dựng kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế.

Hằng năm, có nhiều chương trình dành cho thế hệ trẻ kiều bào tìm hiểu di sản văn hóa, di tích lịch sử của đất nước; tham gia hoạt động tri ân, từ thiện và tưởng niệm để giáo dục truyền thống, góp phần nâng cao niềm tự hào về đất nước, hướng về quê hương, cội nguồn. Nhờ vậy, người Việt trẻ sống ở nước ngoài đã có rất nhiều hình thức để đóng góp không chỉ vật chất mà cả tri thức, tâm huyết của mình với đất nước. Tại chương trình nghệ thuật “Biển đảo quê hương tôi” trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam năm 2014 tại TP Đà Nẵng, đoàn thanh niên kiều bào trao hơn 5,4 tỷ đồng ủng hộ ngư dân TP Đà Nẵng, Quảng Nam. Cuối năm 2015, kiều bào tại Cộng hòa Séc quyên góp, ủng hộ 1,3 tỷ đồng xây nhà văn hóa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Một nhóm thanh niên người Việt ở TP Niu Oóc (Mỹ) xây dựng chương trình giảng dạy tiếng Việt trực tuyến hiện đại và sinh động, cung cấp các hình ảnh và băng hình về lịch sử, văn hóa dân tộc để giúp truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả. Nhóm X - Việt Nam tại Pháp quan tâm việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Mỹ biết đến nghệ sĩ trẻ, người dẫn chương trình Thanh Tùng với niềm đam mê văn học Việt Nam, tâm huyết với dòng kịch văn học và thường xuyên tổ chức giao lưu đọc sách tiếng Việt, diễn giải các tác phẩm văn học và kịch của các tác giả nổi tiếng ở trong nước. Nữ nghệ sĩ Việt kiều Đức Sung Tieu thực hiện một số dự án nghệ thuật đương đại kết hợp truyền thống tại Huế. Điện ảnh Việt Nam thời gian này cũng ghi dấu ấn nhiều đạo diễn Việt kiều có tài năng và kinh nghiệm làm phim, được khán giả mến mộ… Sự trở về với văn hóa dân tộc cho thấy kiều bào trẻ không chỉ nhận ra giá trị đích thực của truyền thống dân tộc mà còn nhận thấy được tiềm năng, cơ hội phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Để giáo dục truyền thống, gắn kết thế hệ trẻ Việt kiều với lịch sử, văn hóa dân tộc, có vai trò không nhỏ của các chương trình như trại hè, liên hoan thanh niên, giao lưu biểu diễn nghệ thuật… Vào những ngày này, Trại hè Việt Nam 2016 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức đang diễn ra (từ ngày 10 đến 23-7), với 110 đại biểu thanh niên kiều bào đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bắt đầu từ năm 2003, qua 13 lần tổ chức, Trại hè trở thành sự kiện lớn thu hút sự chú ý và tham dự của đông đảo thế hệ trẻ kiều bào. Năm nay, các bạn trẻ được tham quan, tìm hiểu các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Bắc Ninh, Không gian văn hóa cồng chiêng...; thăm Khu di tích Kim Liên, quê nội và quê ngoại của Bác Hồ ở Nghệ An. Đáng chú ý, chương trình hội thảo “Tuổi trẻ kiều bào với di sản văn hóa dân tộc” được tổ chức tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội) mang đến cho các em nhiều kiến thức phong phú, sinh động, chú trọng vấn đề giữ gìn và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; bảo vệ các di sản văn hóa ở Việt Nam. Cùng các sinh viên Học viện Ngoại giao, thanh niên kiều bào thảo luận, thuyết trình, diễn tiểu phẩm…bày tỏ quan điểm của mình; đóng góp một số ý tưởng, sáng kiến. Các bạn trẻ đều thống nhất: muốn bảo tồn và phát huy di sản, cần duy trì việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba… sinh ra và lớn lên ở nước ngoài; bởi ngôn ngữ của dân tộc là công cụ vô cùng quan trọng để truyền tải tri thức cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa. Các trại hè, hoạt động giao lưu văn hóa cũng chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào nói chung, kiều bào trẻ nói riêng. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động cuộc thi viết "Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam". Cuộc thi không chỉ là việc tìm hiểu về biển đảo quê hương, mà còn khuyến khích giới trẻ Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài sưu tầm, hiến tặng những tư liệu liên quan biển đảo, chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, qua đó tăng cường sự hiểu biết, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cũng như trách nhiệm với Tổ quốc...

Từ những chuyến tham quan, về nguồn, các cuộc thi, mỗi thanh niên, sinh viên kiều bào sẽ trở thành những sứ giả góp phần không nhỏ đưa văn hóa, lịch sử, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam lan tỏa khắp cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mong rằng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có thêm nhiều sáng kiến, hoạt động lý thú, bổ ích, thiết thực để kết nối thanh niên trong nước với kiều bào; tạo điều kiện để tuổi trẻ kiều bào trở về học hỏi, đóng góp trên mọi lĩnh vực.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top