Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

09:05 - Thứ Tư, 25/04/2018 Lượt xem: 1851 In bài viết
“Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển…” - quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã và đang được hiện thực hóa. Nhân chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 của Đoàn cán bộ TP Hà Nội vừa qua, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hồng Hà để làm rõ vấn đề này.

 

Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân với phóng viên báo chí Hà Nội trong chuyến công tác Trường Sa.

- Thưa Chuẩn đô đốc, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định quan điểm chỉ đạo, đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển... Vậy, quan điểm chỉ đạo đó được cụ thể hóa như thế nào?

- Việt Nam là một quốc gia biển. Chính vì thế, biển có vị trí, vai trò rất quan trọng, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã xác định các quan điểm chỉ đạo, nước ta phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển mạnh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đến nay, đã gần 3 nhiệm kỳ, tất cả các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương có liên quan đã nỗ lực đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện Nghị quyết. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào vấn đề phát triển, khai thác dầu khí, khai thác nguồn lợi thủy hải sản trên biển, đặc biệt là du lịch. Cùng với đó, các địa phương, bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã quan tâm chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng trên biển để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X). Đó là những thành tựu rất quan trọng.

- Để hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Quân chủng Hải quân đã triển khai các nhiệm vụ như thế nào, thưa Chuẩn đô đốc?

- Quân chủng Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật. Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng xác định là tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Trong những năm vừa qua, Quân chủng được ưu tiên trang bị đầy đủ vũ khí, tương đối hiện đại. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ hải quân ra sức huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang thiết bị mới, xây dựng ý chí quyết tâm để trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân.

- Cùng với lực lượng hải quân, Chuẩn đô đốc đánh giá như nào về việc huy động các lực lượng, đặc biệt là nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc?

- Chiến lược quốc phòng của chúng ta đã xác định, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, nghệ thuật quân sự của Việt Nam từ muôn đời nay có đặc sắc là quốc phòng toàn dân, lấy chiến tranh nhân dân làm nền tảng. Chính vì thế, sự phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo là hết sức quan trọng, là nền tảng để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong quá trình đó, chúng tôi đánh giá rất cao việc xây dựng khối đại đoàn kết, ý chí quyết tâm, không chỉ trong quân đội, mà toàn thể nhân dân Việt Nam. 

Thứ hai là đầu tư tiềm lực quốc phòng, đủ vũ khí, trang bị để giữ biển. Thứ ba là kết hợp xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển và thứ tư là đấu tranh ngoại giao để tất cả nhân dân thế giới hiểu được việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta là chính nghĩa và đúng với luật pháp quốc tế. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, với việc phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, với sự ủng hộ của nhân dân thế giới, chúng ta luôn luôn giữ được hòa bình và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

- Chuẩn đô đốc đánh giá thế nào về vai trò cũng như sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo?

- Để xây dựng biển, đảo của chúng ta, trong những năm vừa qua có rất nhiều phong trào được triển khai hiệu quả như, phong trào "Vì biển đảo quê hương", phong trào "Cả nước vì Trường Sa"… Trong đó, tôi khẳng định, TP Hà Nội là một trong những địa phương tiêu biểu, đi đầu, trách nhiệm và thực hiện một cách mẫu mực, sáng tạo, hiệu quả trong đóng góp xây dựng quần đảo Trường Sa cũng như góp phần cho Quân chủng Hải quân ngày càng vững mạnh.

Hằng năm, đều có đoàn đại biểu TP Hà Nội, đại diện cho quân, dân Thủ đô ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đặc biệt, các công trình nhà văn hóa do quân, dân Thủ đô đóng góp để xây dựng cho quân, dân huyện đảo Trường Sa rất ý nghĩa. Tất cả công trình đó làm ấm lòng quân, dân, để quân và dân huyện đảo Trường Sa vững tin vào Thủ đô thân yêu, vững tin vào nhân dân cả nước. Qua đó nỗ lực, phấn đấu lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

- Trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc!

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top