Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Tết sớm ở Trường Sa

10:16 - Thứ Ba, 29/01/2019 Lượt xem: 3459 In bài viết

Những ngày này, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tết năm nay, rất nhiều phần quà ý nghĩa, cả vật chất và tinh thần sớm được gửi ra từ đất liền, giúp cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa đón Tết đủ đầy. Qua đó động viên, tiếp thêm sức mạnh để quân và dân Trường Sa luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bình yên vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Đã nghe, đã xem nhiều bài báo, phóng sự truyền hình về Trường Sa, nhưng lần đầu đến huyện đảo xa xôi, mọi thành viên trong đoàn công tác đều mang tâm trạng háo hức. Ði biển giữa ngày biển động, gió to, sóng lớn khiến hầu hết thành viên trong đoàn đều mệt nhừ vì say sóng. Và rồi, bỗng tiếng reo từ boong tàu vọng lại: "Trường Sa kia rồi!". Giữa mênh mông sóng nước, đảo Trường Sa còn gọi là Trường Sa Lớn hiện lên như một dải lụa mầu xanh lá cây. Nổi bật giữa mầu xanh ngăn ngắt của biển, trời, cây cối là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm kiêu hãnh bay cao. Ai cũng xúc động. Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa ôm chầm lấy từng thành viên đoàn công tác bằng tình cảm thắm thiết. Sau mấy ngày lênh đênh, chúng tôi cảm giác như được trở về nhà.

Nhiệm vụ của đoàn công tác là "mang Tết đến Trường Sa". Những món quà được chuẩn bị kỹ càng, gồm: Giò lụa, giò bò, gạo nếp, đỗ xanh, chè khô, miến dong, bánh kẹo…, có cả những cây quất, cây mai. Các chiến sĩ hồ hởi đón nhận những món quà ấm áp tình cảm từ đất liền gửi ra. Nhưng có một món quà đặc biệt, mà cán bộ trong đoàn công tác quyết "giấu kỹ", phải đợi đến phút cuối mới công bố. Ðó là cờ Tổ quốc, áo và quả bóng của Ðội tuyển bóng đá nam Việt Nam, với chữ ký của các thành viên ban huấn luyện, các cầu thủ vừa đoạt chức vô địch giải AFF Suzuki Cup 2018 gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những tiếng reo vui vang lên khi nhận món quà quý. Anh em chiến sĩ ai cũng muốn mình được chạm vào, được ôm lấy lá cờ Tổ quốc cùng những chiếc áo của đội tuyển vừa đem về vinh quang cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường Ðông - Nam Á. Anh em chiến sĩ chuyền tay nhau, trong tiếng cười nói, tiếng bàn luận xôn xao. Người nhận mình là đồng hương của Công Phượng, người bảo mình cùng quê với Quang Hải… Ai cũng ngưỡng mộ tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Món quà đến với các chiến sĩ càng ý nghĩa hơn khi dịp này sân bóng đá mi-ni trên đảo Trường Sa vừa khánh thành, trở thành địa điểm tập luyện, thi đấu giao hữu thể thao giữa các đơn vị trên đảo.

Rời Trường Sa Lớn, chúng tôi đến đảo An Bang, nơi sóng to, gió lớn và địa hình dốc, rất khó khăn mỗi khi tàu thuyền cập bến. Khi sắp cập bến, chúng tôi ai cũng lo hai chậu quất từ Hưng Yên gửi ra có khi rụng đến nửa số quả vì quá trình vận chuyển trắc trở. Anh em chiến sĩ bọc hai cây quất kỹ càng, rồi phân công mỗi cậu lính trẻ ôm một cây khi di chuyển trên thuyền nhỏ. Cuối cùng, hai cây quất trĩu quả, còn nguyên vẹn khi đưa lên đảo. Binh nhất Nguyễn Minh Trung chia sẻ, sau những giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Trung rất thích được chăm sóc cây cối. Sau gần năm tháng công tác tại đảo, anh đã thành thạo kỹ thuật trồng và chăm sóc nhiều loại cây bóng mát và rau xanh, nhưng đây là lần đầu được nhìn thấy chậu quất cảnh - một loại cây đặc trưng của miền bắc trong dịp Tết. Trung đã xung phong nhận thêm "nhiệm vụ" chăm sóc hai chậu quất cảnh thật tốt để cây có thể nở hoa, kết trái giữa đảo xa.

Ở đầu sóng ngọn gió, việc tổ chức gói bánh chưng, bánh tét luôn được cán bộ, chiến sĩ và người dân ngóng đợi. Chiến sĩ trẻ Hoàng Văn Nghĩa, quê tỉnh Bình Dương, biên chế tại cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa tâm sự, chứng kiến các đồng đội thái thịt lợn, vo gạo nếp, đỗ xanh và rửa lá dong khiến Nghĩa cảm giác như được ăn Tết trong vòng tay người thân. Nghĩa cho biết, quê bố anh ở miền bắc, mẹ là người miền nam, cho nên nhiều năm nay, cứ đến Tết, gia đình anh tổ chức gói bánh chưng và bánh tét. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong đêm cuối năm luôn gần gũi, gắn bó với Nghĩa, nhất là những ngày cận Tết. Năm nay đón Giao thừa ngoài đảo, cũng là Tết đầu tiên xa nhà, nhưng được sự động viên, chia sẻ của đồng đội, cùng nhau gói và luộc bánh chưng, nỗi nhớ nhà nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho bầu không khí đầm ấm, vui vẻ giữa bốn bề sóng gió.

Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Ðinh Trọng Thắm cho biết, để có thể tổ chức gói bánh trên đảo, đơn vị đã chủ động hiệp đồng với các đơn vị từ rất sớm, vỗ béo đàn lợn nuôi tại đảo, còn gạo nếp, đậu xanh… thì được đưa từ đất liền ra. Việc chuẩn bị lá dong để gói bánh là khó khăn nhất, nhưng từ nhiều năm nay mặt hàng này đã được cung cấp kịp thời. Nếu thiếu lá dong, anh em có thể tận dụng lá bàng vuông, lá chuối, lá dừa trồng trên đảo để gói bánh, bảo đảm đầy đủ số lượng bánh chưng, bánh tét đến từng cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức chăn nuôi lợn, gà vịt, đánh bắt hải sản… để mâm cơm ngày Tết trên đảo thêm đậm đà hương vị quê hương, gần gũi với hương vị Tết ở đất liền.

Cuộc sống ở Trường Sa dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đã đổi thay rất nhiều so những năm trước. Ðảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước luôn chăm lo cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Nhờ hệ thống điện gió, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo đã có điện phục vụ sinh hoạt. Khi chúng tôi đến thị trấn Trường Sa, hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển bắt đầu được đưa vào hoạt động, với chất lượng nước có thể uống trực tiếp tại vòi, bảo đảm đầy đủ nước ngọt cho người dân trên đảo. Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Trần Văn Quyển cho biết, thời gian qua, thị trấn đã bố trí các khu vực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, bảo đảm nhu cầu thiết yếu hằng ngày cho người dân. Các hộ gia đình đều có diện tích đất riêng để trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm. Về chăm sóc sức khỏe, người dân thị trấn rất yên tâm vì có bệnh xá do các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm, có khả năng khám chữa, điều trị bệnh ban đầu. Lãnh đạo UBND huyện Trường Sa, UBND thị trấn Trường Sa cũng chuẩn bị chu đáo cho người dân trên đảo đón Tết. Lãnh đạo thị trấn chủ động phối hợp các lực lượng trên đảo chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, tổ chức tổng dọn vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để người dân đón Tết đầy đủ, đầm ấm, vui tươi, cùng với các lực lượng trên đảo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Năm nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, điều kiện vật chất phục vụ đón Tết cổ truyền của người dân trên đảo rất chu đáo, đầy đủ như trong đất liền.

Ðại tá Ðào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch HÐND huyện Trường Sa cho biết, bên cạnh tiêu chuẩn theo quy định, trong dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa rất ấm lòng khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ mọi miền đất nước. Ðây là sự động viên, tiếp sức hết sức ý nghĩa để quân và dân trên đảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ðón Xuân mới, cán bộ, chiến sĩ và người dân quần đảo Trường Sa càng thêm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bình yên vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top